Xông hơi vào mùa đông và những điều bạn cần lưu ý

Có thể nói xông hơi là một phương pháp chữa bệnh, giải độc cơ thể đem lại hiệu quả cao. Vào mùa đông, xông hơi lại càng được trọng dụng hơn bởi nó giúp tăng nhiệt độ cơ thể và thải độc da hiệu quả.

Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), xông hơi là một phương pháp chữa bệnh, giải độc cơ thể đem lại hiệu quả cao. Theo đó, bạn sử dụng những loại lá thuốc dễ kiếm đun vào nồi nước to. Hơi nước từ nồi nước xông bốc lên có tác dụng làm giãn nở mạch máu, kích thích lưu thông khí huyết, đồng thời thúc đẩy việc đào thải hàn khí ra ngoài theo tuyến mồ hôi.

“Xông hơi đem lại nhiều lợi ích trong chữa bệnh, phục hồi sức khỏe, nhất là với những người có hệ miễn dịch suy yếu do cảm cúm, cảm lạnh, người mệt mỏi, đau nhức do ảnh hưởng từ thời tiết, sự tấn công của virus, vi khuẩn... Phương pháp xông hơi giúp bạn hồi phục sức khỏe mà không cần uống thuốc. Đây là một kinh nghiệm chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe được Đông y ghi nhận từ lâu đời và được thế giới áp dụng rộng rãi”, chuyên gia khẳng định.

Xông hơi có tác dụng giải cảm đặc biệt hiệu quả, lương y Bùi Hồng Minh nhấn mạnh. Sức nóng từ hơi nước cùng tinh dầu của các loại thảo dược sẽ giúp giãn nở mạch máu, lưu thông khí huyết, thúc đẩy đào thải khí độc ra ngoài. Chưa kể, làn da của người được xông hơi sẽ trở nên mềm mại, dịu mát, tình trạng đau đầu, chóng mặt cũng nhanh chóng biến mất.

Xông hơi bằng lá giúp người bệnh nhanh khỏi nhưng không phải lúc nào cũng tiến hành xông được. Chuyên gia khuyến cáo, đối với những người bị nhiễm lạnh vào mùa đông, chỉ nên xông hơi bằng lá 1-2 ngày để giải cảm.

Khi bị nhiễm lạnh, gió độc đang nằm dưới da, tiến hành xông hơi trong 1-2 ngày đầu sẽ giúp đẩy khí độc thoát ra ngoài. Nhưng đến ngày thứ 3 trở đi, nếu vẫn còn tình trạng cảm lạnh nghĩa là đã bị nhiễm sâu vào bên trong, xông hơi không có tác dụng giải cảm nữa.

Theo lương y Bùi Hồng Minh, nhiều người có thói quen mở hết vung nồi xông hơi ngay lập tức khi ngồi trước nồi để giải cảm. Thói quen này vô cùng tai hại, có thể khiến cơ thể bị mất nước do bị đổ mồ hôi nhiều. Không kiểm soát được lượng mồ hôi khiến cơ thể nhanh chóng bị mất nước. Khi đó, cảm lạnh, cảm cúm chưa khỏi mà bạn còn có nguy cơ bị trụy tim mạch, tụt huyết áp, đột quỵ... Chưa kể, thói quen mở vùng nồi xông đột ngột, lượng khí nóng cực mạnh bốc lên ồ ạt có nguy cơ khiến bạn bị bỏng, rất nguy hiểm.

Xông hơi có tác dụng giải cảm tốt nên nhiều người hễ cứ thấy mệt mỏi, bị cảm cúm, cảm lạnh là nghĩ ngay đến việc xông hơi. Điều này thật sự không tốt. Theo đông y, mồ hôi là một loại tân dịch, là một dạng của âm huyết. Huyết và khí nương nhau. Nếu ra quá nhiều mồ hôi có thể làm tổn thương âm huyết và hao hụt cả dương khí. Cơ thể sẽ bị mất nhiều dưỡng khí (năng lượng), bên cạnh đó còn có thể gây ảnh hưởng đến tim mạch.

Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, không xông hơi liên tục trong tuần. Mỗi tuần chỉ nên xông hơi 1 lần. Ngoài ra có thể dùng thêm những phương pháp khác chữa cảm lạnh, cảm cúm bằng đồ uống kháng sinh tự chế, món ăn chữa bệnh...

Trần Hiếu (T/h)

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/xong-hoi-vao-mua-dong-va-nhung-dieu-ban-can-luu-y-a3138.html