Loạt hình ảnh quý về Trung tâm Phật giáo Đông Nam Á đầu TK XX

Loạt ảnh quý giá về Đồng Dương được Viện Viễn Đông Bác Cổ Đông Dương phát hiện đầu TK XX là bằng chứng về một Tu viện Phật giáo Đông Nam Á.

Khu đền tháp Đồng Dương (thuộc thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) là vùng đất kinh đô, tu viện Phật giáo Chăm Pa suốt 5 thế kỷ (875-1471), gắn liền với tiến trình hình thành và phát triển của lịch sử vương quốc Chămpa.

Sách “Đại Nam Nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn có đoạn chép: “Huyện Lễ Dương có hai tháp ở thôn Đồng Dương. Hai tháp cách nhau mười lăm trượng, có một tòa cao bốn trượng, xây gạch, trên hình bát giác, dưới hình vuông, mỗi mặt dài một trượng. Cách đó bốn mươi trượng có nền cũ”. Và sách “Từ điển văn hóa Đông Nam Á phổ thông” của Ngô Văn Doanh nhận định: Indrapura “…nay là làng Đồng Dương – thuộc làng Đồng Dương, trên bờ sông Ly Ly, cách Trà Kiệu chừng 15 km về phía đông – nam – thuộc tỉnh Quảng Nam”.

Nhìn tổng quát kiến trúc đền tháp Đồng Dương là một cấu trúc dài 1330 mét chạy dài theo hướng đông – tây. Trong khu vực này, có một đền thờ chính nằm ngay trong một vành đai hình chữ nhật dài 326 mét, rộng 155 mét. Từ đó, một con đường dài 763 mét chạy tới một khu rộng hình chữ nhật (dài 300 mét, rộng 240 mét). Tiếp theo, theo hướng đông – tây là những thánh đường nằm trong các khu khác nhau.

Phật giáo truyền vào Chămpa từ nửa sau thập kỷ đầu sau Công nguyên 4.Theo con đường thông thương trên cơ sở “hòa bình và tự nguyện” đã từng bừng sáng tại khu đền tháp Đồng Dương trở thành một biểu tượng sáng ngời của đất thánh Indrapura – kinh đô ánh sáng. Lịch sử Chămpa trong giai đoạn vương triều Phật giáo Đồng Dương - Indrapura là thời kì phát triển rực rỡ nhất, đỉnh cao nhất và đồng thời cũng được xem là thời kì "hoàng kim" nhất của Phật giáo Đại thừa tại vương quốc này. Giai đoạn này ứng với thời kỳ mà vương quốc Chămpa bước vào thời kỳ hưng thịnh.

Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" có đoạn chép: "Vua thân đi đánh nước Chiêm Thành thắng được. ... chém được Phê Mị Thuế tại trận; Chiêm Thành thua to; bắt sống được binh sĩ không biết bao nhiêu mà kể; bắt được kỹ nữ trong cung trăm người và một người thầy tăng người Thiên Trúc; lấy các đồ quý mang về, thu được vàng bạc của báu kể hàng vạn; san phẳng thành trì, phá hủy tôn miếu"; “Với cuộc viễn chinh của Lê Hoàn năm 982, không chỉ tòa thành Indrapura mà cả vương triều Phật giáo được các nhà khoa học gọi là vương triều Indrapura cũng chấm dứt sự tồn tại của mình.”

Bàn về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chămpa, ngay từ thế kỷ V – VI, sử sách Trung Hoa đã phải công nhận rằng, Chămpa là bậc thầy về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc gạch. Do đó, trải qua hơn 300 năm, nghệ thuật bậc thầy ấy có cơ hội được phát huy và tỏa sáng ở trung tâm thiền viện Phật giáo Đồng Dương. Đó chính là "một minh chứng cho vẻ đẹp kiến trúc, văn hóa và tôn giáo có lâu đời từ thế kỷ X được gìn giữ".

Người Chăm ở Đồng Dương đã từng xem Phật giáo cùng với những quy tắc xử sự (giáo luật) của Phật giáo là lăng kính soi rọi cho mình. Họ tôn sùng Phật giáo với một đức niềm tin son sắc. Sức mạnh và uy quyền của Phật giáo đã chi phối hầu như toàn bộ nếp sống, nếp nghĩ của người dân, tư tưởng trị vì của đất nước qua các vị vua.

Cùng với đó, vương triều Indrapura của xứ Amaravati cũng đã lấy Phật giáo để thống lĩnh xã hội.Tư tưởng từ bi, hỷ xả luôn được vương triều áp dụng rộng rãi, có những lúc, chính tư tưởng này đã đem lại sự cường thịnh và hòa bình của quốc gia Chămpa đương thời. Phật giáo như là thần quyền để thực hiện mọi nghi thức trong quan hệ bang giao. Nhiều sứ thần các nước đến Đồng Dương phải công nhận rằng, dân ở đây rất sùng Phật với một niềm tin tối cao. Và cũng bởi vì thế mà về sau những ngôi chùa Đồng Dương này trở thành trung tâm Phật giáo của Đông Nam Á.

Năm 875, Vua Indravarman II của vương triều Indrapura đã cho xây dựng tại làng Đồng Dương một tu viện Phật giáo (Vihara) đồ sộ và tráng lệ lấy tên là Laksmindra – Lokesvara để làm nơi “trú ngụ” của Phật (Buddhapara). Từ đó, suốt hơn 5 thế kỷ, Phật viện Đồng Dương trở thành một tu viện đào tạo tu sĩ duy nhất trong khu vực Đông Nam Á thời bấy giờ. Trong đó có nhiều tu sĩ là những nhà tu hành nổi danh của Trung Quốc và các nước lân cận đến nơi đây tu học, chiêm bái phật pháp.

Trải qua hơn 5 thế kỷ tồn tại (875 - 1471), Phật viện Đồng Dương trở thành trung tâm nghiên cứu, truyền bá Phật học của Đông Nam Á: năm 982, vua Lê Đại Hành sau đi bình Chiêm thắng lợi đã đưa về nước vị sư Thiên Trúc (Ấn Độ) đang hành đạo thuyết giảng tại đây; năm 1069, vua Lý Thánh Tông cất quân đi Chămpa đã bắt được Thiền sư Thảo Đường (Trung Quốc); năm 1301, sư tổ Trúc Lâm Yên Tử Trần Nhân Tông cùng hàng trăm tăng sĩ Đại Việt có 9 tháng lưu lại để tu đạo.

Năm 1901, L. Finot đã công bố những kết quả khai quật tại Đồng Dương. Ông thống kê ở Đồng Dương có khoảng 229 hiện vật, trong đó có hai pho tượng Phật bằng đồng nổi tiếng cao 1,08 mét và cao 1,22 mét.

Cuộc khai quật năm 1902 của H. Parmentier tại Đồng Dương đã phát hiện ra nhiều hiện vật bằng đá đẹp và giá trị không những về nghệ thuật tạo hình mà cả nghệ thuật điêu khắc và trang trí. Nổi lên vẫn là những bức phù điêu và tượng được chạm trổ nổi. Các phù điêu, bức chạm trổ có giá trị nhất là hai đài thờ bằng đá lớn: một là đài thờ ở thánh đường chính; và một là đài thờ ở tu viện.

"Phật viện (Vihara) Đồng Dương" là “sự giao thoa của trung tâm Amaravati của Ấn Độ hay trung tâm Phật giáo Amaradhapura thuộc nước Tích Lan (Srilanka) có niên đại khá sớm du nhập vào Chămpa”. Đài thờ là một trong những nơi tôn nghiêm nhất của Phật viện Đồng Dương.

Đồng Dương xưa vốn là kinh đô cổ, là “trái tim” của vương quốc Chămpa với quy mô bề thế của một Trung tâm Thiền viện Phật giáo bậc nhất của khu vực Đông Nam Á. Nơi đây, ngàn năm trước từng là vùng đất sinh tụ của hàng ngàn người Chăm tộc Trà nhưng nay có nguy cơ bị mai một.

Qua nhiều đợt nghiên cứu, hội thảo, nhiều đoàn chuyên gia, khoa học trong và ngoài nước đã nhận định đây là di tích quý hiếm bậc nhất của nền văn hóa cổ Chăm-pa còn sót lại ở Việt Nam. Ngày 17/08/2011, Bộ VH-TT&DL đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức HTKH Quốc gia: “Bảo tồn, phát huy giá trị di tích Phật viện Đồng Dương” nhằm tìm ra phương án tối ưu để bảo tồn, phát huy giá trị di sản này trước nguy cơ “xóa sổ”

Với những giá trị vô giá về lịch sử và văn hóa, ngày 21/09/2000, Bộ VHTT (nay là Bộ VH TT&DL) đã công nhận Phật viện Đồng Dương là di tích quốc gia. Đến ngày 9/2014, khu đền tháp Đồng Dương tiếp tục được Bộ VH TT&DL công nhận là khu di tích quốc gia đặc biệt cho khu đền tháp Đồng Dương.

 

Nhuận Phẩm (t/h)

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/loat-hinh-anh-quy-ve-trung-tam-phat-giao-dong-nam-a-dau-tk-xx-a3032.html