Một số thói quen trong sinh hoạt và lối sống hàng ngày vô tình có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm mà nhiều người có thể không để ý.
Thói quen sử dụng thực phẩm chế biến sẵn
Chế độ ăn càng lành mạnh thì nguy cơ mắc bệnh trầm cảm càng thấp. Tuy nhiên do công việc bận rộn, không ít người thường xuyên sử dụng thực phẩm chế biến sẵn để tiết kiệm thời gian và công sức nấu nướng mà không biết rằng các loại thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều calo, ít giá trị dinh dưỡng, quá nhiều muối và chất béo có thể kích thích phản ứng thèm ăn trong não.
Lạm dụng thực phẩm chế biến sẵn khiến cơ thể luôn cảm thấy muốn ăn và ăn với số lượng không thể kiểm soát, gây nên tình trạng thừa cân béo phì, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần.
Vì vậy cần tránh lạm dụng các loại thức ăn chế biến sẵn và duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây, rau, cá, ngũ cốc có thể giúp rèn luyện trí não không phụ thuộc vào đồ ăn vặt.
Ăn quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn, sử dụng quá nhiều phương tiện truyền thông, đi ngủ muộn làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm.
Dành quá nhiều thời gian ở một mình
Nếu dành quá nhiều thời gian trong cô đơn có thể làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm. Để bảo vệ bản thân trước điều này, chúng ta nên tạo ra và phát triển các mối quan hệ tình bạn hoặc cân bằng giao lưu với những người khác, đó là cơ hội để trao đổi cảm xúc tích cực và cũng là một trong những chiến lược tốt nhất để vượt qua chứng trầm cảm.
Quá tải phương tiện truyền thông
Ngày nay, việc mọi người sử dụng các phương tiện, thiết bị điện tử ngày càng trở nên phổ biến. Điện thoại thông minh, máy tính xách tay, TV và các dịch vụ phát trực tuyến đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống.
Trên thực tế, lượng thời gian trung bình dành cho các loại phương tiện trên tăng gấp đôi và đã trở thành thói quen đối với nhiều người. Việc quá tải phương tiện truyền thông này có thể gây hại cho não. Những người thường xuyên sử dụng phương tiện truyền thông, thường gặp nhiều triệu chứng trầm cảm và lo lắng hơn.
Thời gian tiếp xúc với những người tiêu cực quá nhiều
Đôi khi, những nhận xét, chỉ trích tiêu cực từ bạn bè, cấp trên hoặc những người quan trọng khác có thể mang lại cho bạn lợi ích tích cực nhiều hơn trong cách suy nghĩ và hành động. Nhưng khi hàng ngày, phải tiếp xúc quá nhiều với những người thường xuyên phát ra những năng lượng tiêu cực, có thể làm tăng nguy cơ cảm thấy chán nản, hụt hẫng và đôi lúc cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng.
Đi ngủ muộn
Những người đi ngủ muộn hơn, sẽ có nhiều suy nghĩ tiêu cực mạn tính trong ngày, một hành vi có liên quan đến trầm cảm. Ngược lại, những người ngủ sớm hoặc đúng giờ sẽ ít suy nghĩ tiêu cực hơn.
Lười vận động
Việc tập thể dục hoặc làm các công việc yêu thích sẽ nâng cao tâm trạng và bớt cảm thấy chán nản. Khi hoạt động thể chất, não sẽ tiết ra các hóa chất có lợi cho sức khỏe như: endorphin và endocannabinoids có thể làm giảm bớt cảm giác trầm cảm. Mặt khác, nỗ lực tinh thần sẽ làm tâm trạng luôn sảng khoái, tạo hứng thú cho công việc được hoàn thành một cách tốt hơn, từ đó đẩy lùi được căn bệnh trầm cảm và lo âu.
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/mot-so-thoi-quen-lam-tang-nguy-co-mac-tram-cam-a2990.html