Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta ai cũng có lúc phải dùng đến thuốc. Hoặc là thuốc bác sĩ khám bệnh ghi đơn, hoặc là thuốc thông thường dùng để trị một số rối loạn nhẹ như sốt, đau nhức, ho, tiêu chảy, khó tiêu, đầy bụng…
Do đó tốt nhất trong nhà cần có tủ thuốc gia đình để giữ các loại thuốc.
Trong nhà nên có những loại thuốc nào?
Để dễ tìm thuốc, ta nên xếp thành 3 loại đặt ở 3 chỗ khác nhau.
1. Thuốc do bác sĩ kê đơn
Thuốc này cần để riêng ra một nơi và tốt hơn hết là để trong bao bì có ghi loại thuốc gì, dùng như thế nào...
2. Thuốc thông thường
Thuốc này dùng để trị một số chứng bệnh nhẹ hay gặp như:
Thuốc giảm đau, hạ sốt: Nên có paracetamol dùng cho người lớn và trẻ con (nếu dùng aspirin nên ghi: "Dành cho người lớn").
Thuốc trị dị ứng đồng thời trị ho: Có một số thuốc dạng sirô chứa thuốc kháng histamin làm dịu ho (kể cả trị nôn ói) cho trẻ; nếu là thuốc trị ho chứa codein chỉ dành cho người lớn (thuốc trị ho codein chống chỉ định không dùng cho trẻ dưới 6 tuổi).
Thuốc trị tiêu chảy: Nên có gói ORESOL để bù nước và chất điện giải, có loại là chất hấp thu phụ như thuốc chứa than hoạt hoặc smetite. Còn thuốc làm liệt nhu động ruột (paregoric, diphenoxylat, loperamid) chỉ nên dùng cho người lớn, không dùng cho trẻ con.
Thuốc trị táo bón: Nếu phân quá khô cứng gây khó đi tiêu, có thể dùng dạng thuốc bơm glycerin (Rectiofar) vào hậu môn. Nếu táo bón do thiếu nước thấm vào phân, có thể dùng thuốc chứa hợp chất cao phân tử macrogol (Forlax) hay thuốc gói Lactulose.
Thuốc trị khó tiêu đầy bụng: Có thể trữ thuốc kháng acid có chứa chất chống đầy hơi như Simelox hoặc Kremil-S.
Các thuốc nêu trên có thể nhờ dược sĩ ở nhà thuốc hướng dẫn mua và chỉ cách sử dụng.
Nên lưu ý chỉ dùng thuốc trị rối loạn nhẹ dăm ba ngày, nếu triệu chứng không đỡ phải đi khám.
3. Thuốc dùng ngoài
Povidine (bôi ngoài da sát trùng), nước ôxy già (eau oxygénée), cồn 700, bông băng, một số dụng cụ y tế (kéo, nhiệt kế), thuốc nhỏ mắt, thuốc nhỏ mũi, nhỏ tai...
Dùng thuốc cho người cao tuổi sao cho an toàn?
Người cao tuổi thường quá lo lắng về sức khỏe của mình, nhiều người muốn mau hết bệnh nên hay "uống thêm" thuốc ngoài loại đã được bác sĩ chỉ định.
Có người không đau ốm gì vẫn uống thuốc để đề phòng. Có người thậm chí không tuân thủ chỉ định của bác sĩ, hoặc tăng liều thuốc hoặc kéo dài thời gian dùng thuốc, dẫn đến bị quá liều gây ngộ độc.
Ngược lại có người cao tuổi lại sợ dùng thuốc do nghĩ "thuốc chữa được chỗ này nhưng gây hại chỗ khác".
Cũng có người tự ý giảm liều, giảm số lần dùng thuốc trong ngày (thay vì uống 3-4 lần thì chỉ uống 1-2 lần/ngày), có người bỏ uống thuốc giữa chừng mà không biết điều này có thể dẫn đến tai biến do ngưng dùng thuốc (như đột ngột ngưng dùng thuốc hạ huyết áp có thể làm huyết áp tăng vọt rất nguy hiểm...).
Ở người lớn tuổi, do trí tuệ giảm sút, thường hay nhầm lẫn trong sử dụng thuốc, đặc biệt về liều lượng, số lần dùng thuốc, cách dùng thuốc... nên cần có người thân trẻ tuổi trong gia đình theo dõi sát việc dùng thuốc, không để người cao tuổi tự uống thuốc một mình.
Có 3 bệnh mãn tính người cao tuổi thường bị, phải dùng thuốc và cần có thuốc trong tủ thuốc.
Bệnh tiểu đường: Cần chuẩn bị thuốc uống hạ đường huyết (cho người tiểu đường týp 2). Nên luôn có sẵn dụng cụ thử đường huyết.
Bệnh tim mạch: Nên có sẵn thuốc bác sĩ chỉ định để sử dụng thường ngày, không bao giờ được ngưng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Nếu đã bị cơn đau thắt ngực, nên có sẵn thuốc dãn mạch (như trinitrine) trong nhà để dùng. Nếu trước đây đã có sẵn những đợt suy tim, cần có thuốc điều trị (như thuốc lợi tiểu tác dụng nhanh) để dùng kịp thời.
Tăng huyết áp: Mức huyết áp sẽ thay đổi theo sự hoạt động của cơ thể và thời gian trong ngày, do đó dù ở nhà hay đi chơi xa cũng không nên bỏ thói quen đo huyết áp hằng ngày. Uống thuốc kiểm soát huyết áp đúng giờ theo chỉ định của bác sĩ, không được bỏ thuốc dù huyết áp có vẻ luôn ổn định.
Bảo quản thuốc an toàn, đúng cách
Mỗi gia đình nên mua hay đóng một cái tủ nhỏ để thuốc có thể treo lên tường, vách hoặc đặt ở nơi khô ráo, mát, không bị ánh nắng chiếu vào (không nên để trong buồng tắm vì sự ẩm ướt làm cho thuốc mau hỏng). Nhớ đặt tủ ở chỗ trẻ con không tìm cách với tới được; nếu trẻ có thể với tới thì nên làm chìa khóa và cất riêng chỉ người lớn trong gia đình biết.
Nếu không có điều kiện đóng hoặc mua tủ nhỏ, có thể tạm đặt thuốc trong ngăn kéo hoặc trong một hộc của tủ lớn. Lưu ý nơi đặt thuốc phải thoáng mát, khô, không có ánh nắng chiếu vào và phải có khóa để trẻ con không mở ra lấy thuốc được.
Nên sắp xếp riêng thuốc dành cho người lớn và thuốc dành cho trẻ con, không để lẫn lộn.
Nếu thuốc có bao bì, nên để thuốc trong bao bì kể cả bảng hướng dẫn sử dụng. Với thuốc viên rời, tất cả đều phải đựng trong chai, lọ sạch có nắp đậy và các chai lọ này đều phải dán nhãn ghi rõ tên thuốc.
Nếu là thuốc dành cho người lớn, nên dán thêm nhãn "NGƯỜI LỚN". Nếu có hạn dùng (thường gọi là "đát", do từ chữ expiry date) phải ghi rõ hạn dùng và thường xuyên theo dõi, nếu thuốc quá hạn phải bỏ đi, thay thuốc mới vào. Để giữ nhãn tốt, có thể dùng băng keo trong dán chồng lên nhãn.
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/nen-thu-thuoc-nao-trong-nha-de-phong-than-a2965.html