“Chỗ ngồi” của Hoa hậu!

Ở cuộc thi hoa hậu Việt Nam năm nay, tôi mới biết Hoa hậu Đỗ Thị Hà, rồi tiếp đến sự kiện Hoa hậu về làng “vinh quy bái tổ”, và mới đây là bức ảnh về thăm trường cũ tràn ngập trên mạng với nhiều quan điểm về “chỗ ngồi của Hoa hậu”.

Thú thật, tôi không phải là fan của hoa hậu, người đẹp (cả Việt Nam lẫn thế giới). Thỉnh thoảng, tôi mới lướt qua những tin tức về các cuộc thi sắc đẹp cho biết với người ta và dừng lại lâu hơn ở những hành động ý nghĩa đời thường mang tính trái tim và trí não của họ.

Ở cuộc thi hoa hậu Việt Nam năm nay, tôi mới biết Hoa hậu Đỗ Thị Hà, rồi tiếp đến sự kiện Hoa hậu về làng “vinh quy bái tổ”, và mới đây là bức ảnh về thăm trường cũ tràn ngập trên mạng với nhiều quan điểm về “chỗ ngồi của Hoa hậu”.

Thuở nhỏ, má tôi vẫn thường dạy chúng tôi là “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, để từ đó chị em chúng tôi, mỗi khi vào bàn tiệc hay tham gia các sự kiện, đều tự hiểu vị trí của mình ở đâu để chọn chỗ ngồi cho phù hợp. Đôi khi, tôi cũng được ưu ái ngồi ở “mâm cao cỗ đầy” với các bậc cao niên, nhưng vẫn biết thân biết phận tìm chỗ nào đó chứ không thể cái kiểu “ăn trên ngồi trốc”, ít nhiều gì cũng có tiếng dèm pha trong họ tộc.

Trở lại sự kiện về thăm trường cũ của Hoa hậu Đỗ Thị Hà, chưa cần đọc bình luận, chỉ xem qua bức hình tôi đã liên tưởng cảnh bày trí kiểu “nữ hoàng và các hạ thần”. Cách người đàn ông đứng nghiêng người, cách cô gái có vẻ lắng nghe, và cả những người trung niên ngồi bên dưới. Rồi khi đọc thông tin về bức hình, tôi tự hỏi khi làm sự kiện này, bộ máy thực hiện có thông tin cho hoa hậu và các thầy cô về vị trí sắp xếp hay không? Dù biết hay không biết sự sắp xếp này đi nữa nhưng kết quả là em hoa hậu vẫn ngồi ở vị trí “thượng tôn” đó với cả các “bậc bô lão” thì quả là “chí khí” đúng nghĩa “ngoan hiền”, “bảo sao làm vậy”, “đặt đâu ngồi đó”!?

Nhiều người bảo không phải lỗi tại em, truyền thông làm “hư” em, nhưng tôi lại cho rằng chúng ta đang bao biện hay bao bọc em theo kiểu văn hóa của chúng ta, trên 18 tuổi vẫn chưa chịu trách nhiệm về hành vi của mình (dù luật pháp có quy định). Việc em ngồi ở vị trí người ta đặt sẵn đó đã đánh mất tính cách của một hoa hậu rồi, chưa xét về kiến thức học thuật uyên thâm gì, mà tôi nói đến phạm vi ứng xử theo chuẩn mực văn hóa của ông cha mà em đang thừa hưởng.

Tài năng thì cần thời gian để nhiều người biết đến, sắc đẹp thì tùy vào gu thẩm mỹ của từng người nhìn, còn tính cách bằng cách sự nhu mì và hiền thục của một cô gái ngoan thì chỉ để làm vừa lòng một số người. Vậy nên, hoa hậu không cứ phải ngoan ngoan hiền dịu, tôi ước gì lúc đó em phản ứng với sự sắp đặt, em thay đổi cho đúng “tôn ti trật tự” thì câu chuyện về em sẽ khác. Tuy nhiên, cái gốc rễ của một con người do giáo dục mà ra, nên cũng không thể trách em được.

Nên chăng, lỗi do ai? Có lẽ chỉ người trong cuộc mới hiểu!

*Bài viết thể hiện quan điểm tác giả

Trần Thị Kim Thanh

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/cho-ngoi-cua-hoa-hau-a2957.html