Dấu ấn Sài Gòn hơn 300 năm tuổi qua những dãy nhà cổ

Những dãy nhà cổ có niên đại hàng trăm năm ở ngày trung tâm vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định xưa là một trong những “nhân chứng sống” sống động nhất cho lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển.

Bưu điện trung tâm thành phố Hồ Chí Minh.

Không phải đến phố cổ Hội An (Quảng Nam) hay Hà Nội mới chiêm ngưỡng những ngôi nhà cổ có kiến trúc độc đáo mà ngay giữa TP Hồ Chí Minh – đô thị số 1 Việt Nam – chúng ta vẫn có thể chiêm ngưỡng dấu tích còn sót lại nằm rải rác khắp Thành phố.

Tính cho đến nay, vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định đã có lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển. Ngần ấy thời gian, trải qua biết bao biến cố thịnh suy của dòng lịch sử, xứ Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định trở thành ngôi nhà chung của nhiều cộng đồng cư dân.

Nhưng tiểu biểu hơn cả vẫn là cộng đồng người Hoa ở khu Chợ Lớn xưa. Minh chứng rõ nhất là những công trình kiến trúc nhà ở mà họ kiến tạo nên trên vùng đất này. Đó như là “di sản” bằng da bằng thịt được bao thế hệ người Hoa nâng niu và gìn giữ.

Theo Cổ sử Gia Định thành thông chí: Những con phố cổ người Hoa được xây dựng từ những năm cuối và đầu thế kỷ XX, tập trung ở 4 con phố cổ của Chợ Lớn là Lương Nhữ Học, Triệu Quang Phục, Hùng Vương và Phù Đồng Thiên Vương, rải rác ở Hải Thượng Lãn Ông, Châu Văn Liêm, Võ Văn Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hồng Bàng,…

Một góc phố nhà cổ Quận 5

Dẫu là phố người Hoa nhưng hầu hết các căn nhà cổ này đều ảnh hưởng phong cách Pháp từ kiến trúc cho đến hoa văn, họa tiết, điêu khắc và tựa chung lối kiến trúc Hoa – Pháp – Việt hỗn dung. Phía ngoài là hình dáng, màu sắc mang đậm dấu ấn nền văn hóa Pháp. Không gian trong là nghệ thuật trang trí “Việt hóa” cùng lề thói sinh hoa người Trung Hoa vẫn hiển hiện. Đó là nét nổi bật ưu trội của những dãy phố cổ Sài Gòn còn tồn tại cho đến hôm nay.

Bên cạnh những ngôi nhà cổ, các công trình kiến trúc Pháp tại Sài Gòn như Trụ sở UBND Thành Phố Hồ Chí Minh, Bưu điện Thành phố, Nhà thờ Đứa Bà, Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Trường THCS Hồng Bàng…từng được xem là những kiệt tác, là biểu tượng văn hóa cho dấu ấn Thành phố mang tên Bác hơn 300 năm hình thành và phát triển.
 

Góc nhà cổ đường Võ Văn Kiệt, Quận 1

Những không gian riêng ấy phần nào đã định hình nên lịch sử và dấu ấn của thành phố này. Dẫu có “Tây hóa” nhưng vẫn mang dáng dấp rất Việt, hiện hữu trong suy nghĩ của biết bao lưu dân người Việt chọn vùng đất này là quê hương thứ 2 của mình. Và một thời kỳ, Cảng Sài Gòn, chợ Bến Thành, chợ Lớn và nhiều khu vui chơi, buôn bán sầm uất, những cở sở hạ tầng vững chắc, Sài Gòn từng được nhiều học giả nước ngoài phong là “Hòn ngọc Viễn Đông”. Đó là niềm tự hào không những quá khứ mà cả ngày nay.

Tuy nhiên, niềm tự hào ấy của người Sài Gòn chỉ còn trong ký ức xa xăm. Trừ những ngôi nhà lớn như Bưu điện Thành phố, Nhà thờ Đức Bà, Thư viện Tổng hợp, Bảo tàng Mỹ Thuật,… được nhà nước quan tâm, còn lại hầu hết những ngôi nhà tư nhân dần bị “tân tiến hóa”.

Đi dạo vòng qua những con phố cổ nổi tiếng xưa đất Sài Gòn nay chỉ thấy lác đác vài căn nhà cổ thấp lè tè, loang lỗ vết nứt, màu úa, ẩm mốc. Thay vào đó là những tòa nhà, căn hộ chung cư khang trang, hiện đại chen chân, lấn áp những ngôi nhà cổ. Thậm chỉ một số ngôi nhà cổ (do điều kiện) bị bỏ hoang, hoặc trưng dụng vào mục đích riêng như nhà để xe, nhà kho,… vì đã xuống cấp nghiêm trọng.

Cùng chung cảnh, khi ghé qua các con phố cổ như Triệu Quang Phục, Lương Nhữ Học, Phù Đồng Thiên Vương sẽ hiếm khi bắt gặp những căn nhà cổ, nếu có đã tân trang, màu sơn, vài điểm nhà cổ bị “biến dạng” nhằm phục vụ nhu cầu cuộc sống.

Trước đây, đi đâu cũng thấy nhà cổ, nhà cổ san sát nhau nhưng nay thì hầu như thưa dần. Những con phố cổ ở trung tâm mọc lên nhiều căn nhà mới phá vỡ không gian khu phố cổ. Phần vì người sinh hoạt đông, phần vì chi phí tu bổ, tôn tạo tốn kém, lại không bền vững nên người dân phải phá nhà cổ xây nhà mới kiên cố hơn.

Nhuận Phẩm

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/dau-an-sai-gon-hon-300-nam-tuoi-qua-nhung-day-nha-co-a2889.html