Tấm áo lành lặn dành cho người nghèo
Đúng 7g sáng mỗi ngày, người lao động nghèo sinh sống, làm việc gần đường Tôn Thất Thuyết, phường 3, quận 4, TPHCM lại thấy xe ba gác chở quần áo tự chọn giá 0 đồng của ông Nguyễn Văn Tư (thường gọi Tư Ẩn, 80 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè, TPHCM) dừng ở quán cà phê vỉa hè quen thuộc.
Ông già râu tóc bạc phơ cười hiền hậu, lấy quần áo treo trên xe cho khách hàng lựa chọn và tế nhị chỉ dòng chữ “Quần áo tự chọn giá 0 đồng” khi họ hỏi giá. Những người lần đầu tiên mua hàng thường cảm thấy bỡ ngỡ xen lẫn vui mừng ra mặt.
|
Người phụ nữ bán hàng rong hồ hởi chọn cho mình một chiếc áo phù hợp
|
Đẩy chiếc xe với cơ man chuối, đu đủ, xoài xanh lại gần xe bán quần áo của ông Tư, cô Hồng chậm rãi lấy từng chiếc áo dài tay ướm thử. Thoáng chút tiếc rẻ khi mấy chiếc áo thử đều không vừa, cô Hồng cười với ông Tư, rồi đẩy xe hàng đi bán. Nét mặt ông Tư cũng buồn theo sự tiếc nuối của vị khách thân quen.
Ông nói: “Cô đó mua quần áo của tôi nhiều lần. Hễ đi ngang đây, cô ấy lại dừng xe xem thử. Lựa được cái nào mới, đẹp, vừa vặn, cô ấy vui dữ lắm”.
Người đàn ông chạy chiếc xe đạp cọc cạch vừa lướt qua xe quần áo của ông Tư, vội dừng lại ngắm nghía. Thấy người khách mới còn ngần ngại, ông Tư lấy máy phụ trợ giọng nói đặt vào cổ mình và cố giao tiếp.
Tai nạn thời trẻ khiến ông Tư suýt chết và mất đi giọng nói, muốn nói chuyện phải dùng máy đặt vào cổ. Tiếng của ông thông qua chiếc máy phụ trợ cứ rè rè như ti-vi mất sóng. Vậy mà, ông nói, pha trò khiến những người ghé gian hàng đều vui vẻ.
Bị tai nạn mất đi giọng nói, mỗi lần trò chuyện, ông Tư phải dùng máy đặt vào cổ
|
Dừng ở đường Tôn Thất Thuyết đến 9g, ông Tư lại điều khiển chiếc xe ba gác với đủ loại quần áo, giày dép vào các hẻm nhỏ. Ông nói: “Nhiều người bán vé số, thợ hồ, dân xóm trọ… không biết đến hoặc không có thời gian đi ra ngoài thì tôi chạy xe đến tận nơi cho họ lấy quần áo”.
Cứ đúng lịch trình rong ruổi hơn 50km mỗi ngày, buổi chiều, ông Tư lại xuống khu công nghiệp Long Hậu, huyện Nhà Bè. Có hôm, ông chạy xuống tận các khu công nghiệp ở tỉnh Long An, bán quần áo cho công nhân nghèo.
Mười mấy năm trước, thấy bà con lao động xung quanh nghèo khó, tấm áo mặc cũng không lành lặn, ông Tư lén vợ con bắt xe khách xuống tận Châu Đốc, tỉnh An Giang mua quần áo cũ. Ông đem quần áo cũ giặt sạch, phơi nắng thơm tho, rồi treo lên xe đạp, chở từ Nhà Bè qua quận 4 bán với giá 0 đồng.
Tận mắt thấy tấm áo cũ nhưng lành lặn, thơm tho của mình đến được tay người cần, dẫu phải đạp xe mấy chục cây số ông Tư vẫn thấy khỏe và vui.
Người lao động nghèo thường ghé gian hàng quần áo tự chọn giá 0 đồng của ông Tư
|
Ba năm gần đây, ông Tư được một người hảo tâm tặng cho chiếc xe ba gác. Ông sửa sang, thiết kế chiếc xe thành gian hàng quần áo tự chọn giá 0 đồng di động, áo quần được trưng ra đẹp đẽ, khách hàng chỉ cần liếc sơ đã chọn được bộ đồ ưng ý.
Bé Trâm, cháu gái của ông Tư thường theo ông đi bán hàng vào những ngày rảnh rỗi, không phải đi học. Bên cạnh ông nhiều ngày, Trâm thấy tự hào: “Ông của con nói ông sẽ làm việc tốt cho đến lúc chết. Ông chết rồi con cháu tiếp tục làm được thì làm”.
“Hiện tại, cả nhà con đều ủng hộ chuyện ông làm. Ngày nào ông cũng thức dậy từ 2-3g sáng, giặt đồ cũ, tưới cây… Nhiều lúc ông đi bán mà chỉ uống ly cà phê, ăn tạm gói xôi. Vậy mà, ông không than mệt, than đói”, bé gái nói thêm.
Của cho không bằng cách cho
Từ chỗ mua quần cũ về giặt sạch, đem cho người nghèo, ông Tư được nhiều người biết đến, đem đồ cũ, giày dép đến nhờ ông chuyển đến người cần.
“Nhiều người ở xa cũng chở quần áo đến tận nhà tôi, có người phải đi bằng máy bay vào. Một cô ở Huế tìm đến nhà tôi chỉ để đưa 3 gói quần áo cũ. Cô ấy nói thấy tôi làm việc tốt nên muốn gặp mặt một lần”, ông Tư cười chia sẻ.
Ông Tư cẩn thận chăm chút từng cái áo cái quần để gửi đến người cần
|
Ông Tư cũng tâm sự, nhiều người cho quần áo cũ rất có tâm, lựa chọn những món còn dùng được mới đem tặng. Thế nhưng, ông cũng thấy phiền lòng khi một vài người cho đồ cũ kiểu “dọn rác ở nhà đưa cho người khác”.
“Nhiều nhất là mấy chủ nhà trọ, khi khách trọ dọn nhà bỏ lại quần áo, giày dép cũ, người chủ thường gom hết đem qua đưa cho tôi. Họ cho một bao lớn nhưng lựa tới lựa lui cũng chỉ được đôi ba bộ đồ còn dùng được”, ông Tư thở dài.
Ông Tư tâm niệm “của cho không bằng cách cho”. 2-3g sáng mỗi ngày, ông thức dậy đem quần áo cũ đi giặt sạch, canh nắng vừa lên thì đem phơi. Bởi vậy, quần áo của ông cũ nhưng tinh tươm, thơm mùi nắng.
Không những chú trọng đến chất lượng quần áo gửi đến cho người nghèo, ông còn dụng tâm trong cách ứng xử. Dù bị mất giọng nói, ông cũng ráng nói nhiều với bà con. “Tôi phải xởi lởi, vui vẻ, người nghèo đến mua quần áo sẽ không nghĩ ngợi nhiều. Nếu tôi không nói gì, sợ họ nghĩ tôi khó chịu, mang quần áo đi bố thí chứ không phải bán buôn”, ông Tư chia sẻ.
Ông phiền lòng khi nhiều người làm việc thiện mà không biết cách cho
|
Ông bán quần áo giá 0 đồng cho người nghèo nhưng người khá giả muốn lấy thì ông vui vẻ gật đầu. Nhiều người không hiểu, trách ông cho chi những người giàu có.
“Quần áo này, tôi đem cho cộng đồng, ai cần thì lấy, mình biết ai nghèo ai giàu mà ngăn. Nếu họ giàu mà vẫn lấy thì chắc phải có việc cần, còn họ tham thì họ chịu nhân quả. Hồi kia, một cô gái đi xe tay ga, đẹp đẽ đến xin mua cái quần dài. Tôi không nhận tiền, bảo cô cứ lấy. Cô gái vui mừng và tiết lộ cô mặc quần ngắn nên không tiện vào một cơ quan. Cô lén để tiền lên xe tôi rồi đi”, ông Tư kể.
Xe quần áo miễn phí của ông Tư cũng... làm phiền nhiều chủ cửa hàng quần áo. Nhiều người không dám nói trực tiếp mà chuyển lời thông qua con gái của ông.
Họ than phiền phải mất tiền thuê mướn mặt bằng mà xe quần áo miễn phí của ông làm cửa hàng mất đi nguồn khách. Nghe con gái kể, ông biết chuyện, lần sau tìm đường khác mà đi, không làm ảnh hưởng đến việc buôn bán của họ.
Gian hàng quần áo tự chọn giá 0 đồng rong ruổi cùng ông Tư khắp Sài Gòn
|
Giọng rè rè, ông Tư bộc bạch: “Tôi có 6 đứa con, mỗi tháng, một đứa cho 500.000 đồng. Mấy đứa dặn tôi để dành ăn uống, đổ xăng dọc đường nhưng tôi chẳng ăn uống bao nhiêu. Tiền dư ra, tôi để dành mua quần áo bán cho người nghèo. Hôm nào bán đắt hàng, tôi thấy vui và khỏe nhiều. Có hôm bị bệnh phải nằm nhà, tôi buồn và lo khách nghĩ mình bỏ nghề”.
Đợt bão lũ miền Trung vừa qua, ông Tư cùng vợ con cũng gom được 8 xe tải quần áo gửi cho bà con.
Gia cảnh của ông Tư cũng khó khăn, căn nhà chỉ có hơn chục mét vuông nhưng đầy ắp tiếng cười và thoang thoảng mùi nắng của cơ man quần áo cũ.
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/rong-ruoi-khap-sai-gon-de-ban-quan-ao-gia-0-dong-a2886.html