[75] – Phải đứng lên!

(Sống Khoẻ Plus) - Reng! Reng! Reng!.... Tiếng chuông đồng hồ báo thức 02h00 sáng, theo quán tính, tôi bật dậy như cái lò xo tự động, để bắt đầu hành trình một ngày mới.

Tôi sinh ra, lớn lên ở huyện Tây Sơn - Bình Định. Việc trở thành cư dân Sài Gòn không hề có trong dự định của tôi.

Chồng tôi cũng là người miền Trung nhưng sống và làm việc cho một doanh nghiệp tư nhân tại Sài Gòn. Trước khi cưới, chúng tôi đã thỏa thuận, anh sẽ chuyển công tác về Tây Sơn để vợ chồng được gần nhau và cũng vì công việc của tôi đã ổn định ở đây. Nhưng sau đám cưới anh cứ “kỳ kèo” mãi, anh bắt đầu dao động bởi câu nói “Thà ở chuồng heo còn hơn theo quê vợ”, thế là mỗi người song mỗi nơi. Cuối cùng thì “Thuyền theo lái, gái theo chồng”, sau 01 năm (năm 2009) tôi đành bỏ việc theo anh vào Sài Gòn.

Đặt chân vô Sài Gòn, tôi phải làm lại từ đầu, từ công việc đến các mối quan hệ. May mắn tôi xin được việc làm đúng chuyên môn tại một công ty truyền thông. Chồng tôi là kỹ sư cầu đường, anh buộc phải theo công trình xa, có khi hai, ba tuần mới về nhà một lần. Năm 2010 tôi sinh con, gần như không có một người thân nào bên cạnh. Mọi việc trong nhà, tự tôi một mình lo toan.

Hai mẹ con tác giả

Con trai sinh thiếu tháng, bé đau bệnh suốt, hai mẹ con đi thăm bác sĩ như một lập trình thường xuyên. Tôi nhớ, có đêm con lên cơn sốt vào 12 giờ khuya, bất chấp đường Sài Gòn nguy hiểm. Tôi dắt xe, đai con, chạy một mạch đến bệnh viện giữa đêm khuya.

Việc công ty, việc nhà, việc chăm con… không thể nào một mình kham nổi, tôi buộc phải xin nghỉ việc chuyển sang làm bán thời gian. Lúc ấy, tôi quay quắt “chiến đấu” chỉ với một lý do duy nhất: Cơm, áo, gạo tiền!

Là dân công trình rày đây mai đó, chồng tôi “vô tình” trở thành một người không biết nên gọi là “vô tư” hay “vô tâm”. “Lương tháng không đủ anh chi phí “ngoài đường” lấy đâu ra đưa cho vợ!” – đó là câu trả lời thường xuyên của chồng mỗi khi tôi hỏi lương. Con càng lớn, chi phí càng nhiều, xoay xở kiểu gì cũng không đủ. Nhưng tôi không hề kể lể khó khăn với ai, kể cả ba mẹ ngoài quê. Cứ thế, tôi một mình chèo chống. Nhiều đêm ôm con ngồi khóc ròng, tôi thầm nghĩ giá như tôi đừng bỏ việc theo chồng vào đây thì cuộc sống đâu thế này? Lắm lúc đuối sức, tôi cũng muốn buông xuôi nhưng nhìn vào ánh mắt thơ ngây của con, nghe con ngọng nghịu: “Kiệt thương mẹ, Kiệt yêu mẹ nhất, mẹ đừng khóc, Kiệt sẽ ngoan, không bệnh, không đòi đồ chơi đâu!” là tôi lại thấy mình có thêm sức mạnh. Tôi tự nhủ mình không được chùn bước? Phải cố gắng, phải đứng lên! Phải cho con có được cuộc sống như bao đứa trẻ khác. Mình không thể trốn tránh trách nhiệm của một người mẹ!”.

“Phải đứng lên” là mệnh lệnh giúp tôi vượt qua khoảng thời gian khủng hoảng cả tinh thần lẫn vật chất. Tôi tiếp tục nhận thêm nhiều việc về làm. Mỗi đêm tôi miệt mài trên bàn phím máy tính đến 1, 2 giờ sáng… Đúng vào thời gian này, ông trời lại trao cho tôi thêm một thử thách mới: Công ty nơi chồng tôi làm việc bị thua lỗ, anh phải chuyển chỗ làm. Tình thế bắt buộc tôi phải thay đổi “cục diện” một lần nữa.

Năm đó con trai tôi lên 3 tuổi, tôi quyết định gửi con vào nhà trẻ và đi làm lại. đồng thời vẫn giữ “mối” với các công ty làm thêm để có thêm thu nhập. Tôi lại may mắn được người quen chỉ dẫn bán hàng đêm ở Chợ Bà Chiểu – công việc kinh doanh với tôi rất xa lạ, chưa bao giờ tôi nghĩ tới nhưng trong tình thế bắt buộc, tôi mạnh dạn “dấn thân”.

Lịch trình hằng ngày của tôi dày đặc. Sau 8 tiếng làm hành chính, tối về hoàn thành công việc bán thời gian, đến 2 giờ sáng ra chợ Bà Chiểu bán hàng, 5 giờ sáng ba chân bốn cẳng về tắm rửa để kịp đi làm. Cứ vậy, thời gian trôi, tôi như “con thoi” quay mãi, quay mãi không ngừng. Sau 2 năm lăn lộn miệt mài với công việc, năm 2015 tôi nộp đơn thi và trúng tuyển vào một đơn vị sự nghiệp tại thành phố. Một lần nữa tôi lại quay về với vị trí là một viên chức nhà nước.

Hiện tại, ban ngày tôi đến công sở, tối về “đi buôn”. Một ngày mới của tôi bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng. Dù cuộc sống chưa đạt đến cao sang nhưng tôi tự hào mình đã đứng lên và tự bước đi bằng chính đôi chân của mình. So với nhiều người có thể đó không phải là điều gì quá “ghê gớm” nhưng với tôi, đó là khoảnh khắc để nhớ và đáng sống.

Minh Hiếu (TP.HCM)

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/75-phai-dung-len-a2727.html