Đọc sách là khai mở nhân tâm

Dường như văn hóa đọc cũng không còn phổ biến rộng khắp nữa. Sách là một hình ảnh gì đó xa lạ với mọi người, thay vì tìm đến sách, người ta lại tìm đến điện thoại. Đó là điều mà bản thân tôi trăn trở làm sao để mọi người đến gần với sách hơn?

Cựu tổng thống Mĩ Barack Obama đã từng nói: “Việc đọc sách rất quan trọng. Nếu biết cách đọc, cả thế giới sẽ mở ra cho bạn”. Tuy nhiên, trong thời đại thông tin phát triển như hiện nay, chúng ta có tư tưởng bất cứ thứ gì cũng được tìm kiếm trên các trang web và với các thiết bị công nghệ, các trang mạng xã hội zalo, facebook... đã chiếm trọn gần hết thời gian của nhiều người và đặc biệt là giới trẻ. Dường như văn hóa đọc cũng không còn phổ biến rộng khắp nữa. Sách bây giờ là một hình ảnh gì đó xa lạ với mọi người, thay vì tìm đến sách, người ta lại tìm đến điện thoại. Đó là điều mà bản thân tôi trăn trở làm sao để mọi người đến gần với sách hơn?

Làm bạn cùng sách: Là một giáo viên của một trường THPT với tôi dù ở giai đoạn nào của xã hội thì sách vẫn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của nhiều người. Bản thân tôi ý thức được vai trò, tầm quan trọng của việc đọc sách. Sách như là một người bạn thân thiết không bao giờ bỏ ta đi, một người thầy đưa ta đến những bến bờ tri thức, một không gian bình yên để ta nhìn nhận lại cuộc sống sau những bộn bề, tấp nập. Đọc sách là một niềm đam mê trong tâm hồn. Nhà văn H.Godefroy có câu: “Những quyển sách làm say mê ta đến tận xương tủy, chúng nói chuyện với ta, cho ta lời khuyên và liên kết với ta bởi một tình thân mật, sống động và nhịp nhàng”. Chính vì vậy, với niềm đam mê, trăn trở làm sao để học trò mình đọc sách? Làm sao đưa sách đến gần với mọi người, gắn kết sách với học sinh, kết nối mọi người lại với nhau, thúc đẩy phong trào đọc, giúp hình thành kỹ năng đọc sách trong cộng đồng.

Mô hình xây dựng văn hóa đọc được áp dụng tại trường THCS&THPT Phú Quới

San sẻ yêu thương: Để đưa sách đến gần với mọi người, từ những quyển sách có sẵn tại nhà tôi đã mang vào trường cho học sinh cùng đọc. Dần dần hình thành tủ sách Văn phòng Đoàn thanh niên với nguồn sách của bản thân và các mạnh thường quân trao tặng. Đọc sách có thể không giàu, nhưng không đọc, chắc chắn nghèo. Bạn có thể giàu về vật chất nhưng trí tuệ và đời sống tinh thần sẽ không thể đủ đầy và rộng mở nếu bạn không đọc sách. Nhà nghiên cứu Nguyễn Trung cho rằng: “Đọc sách là con đường ngắn nhất đi tới hiểu biết cuộc sống đang ngày càng mở rộng với vận tốc ngày càng nhanh. Đọc sách sẽ giúp mình được rành rỗi hơn nhiều trong công việc, bình tĩnh hơn nhiều trong cuộc đời”. Tôi đã khơi gợi lòng yêu sách trong chính con người của mình, hiểu được giá trị của sách, xác định được mục đích đọc sách rồi từ đó có những phương pháp đọc sách hiệu quả, tạo cho các em học sinh một thói quen đọc sách nhất định, đặt ra mục tiêu cho bản thân, mỗi tháng đọc một quyển sách.

Một góc tủ sách Văn phòng Đoàn thanh niên

Cùng nhau sinh hoạt: Tạo một không gian đọc sách thoải mái. Một tủ sách Văn phòng đoàn, một chiếc ghế tựa và thả mình vào những trang sách. Thấy được tiếng nói chung, sự đồng cảm chia sẻ với nhau về thông điệp mà quyển sách đem lại. Và Câu lạc bộ Đọc sách của trường đã được ra đời để các em có không gian đọc và sinh hoạt với nhau, trao đổi sách với nhau, mượn trả hay bình phẩm về một cuốn sách. Qua đó giúp học sinh có thêm nhiều tri thức hơn và đồng thời cũng có nhận thức mới về cuốn sách. Câu lạc bộ vận hành thật giản đơn, chỉ là cho các em làm quen với sách, biết đến sách và đọc sách. Sau đó tôi và các em học sinh cùng giới thiệu những quyển sách mình đã đọc cho các bạn học sinh toàn trường trong tiết sinh hoạt dưới cờ.

Rèn luyện kỹ năng: Thông qua việc đọc sách và giới thiệu sách tôi đã rèn cho học sinh của mình khả năng giao tiếp, khả năng sáng tạo, tư duy. Tích lũy được vốn văn học, tìm được những câu văn hay, những ý thơ đẹp, mở mang thêm kiến thức đa chiều. Nhà văn Lỗ Tấn đã từng nói: “Muốn viết một chữ trong bụng phải có một tấn chữ, muốn nói một từ, trong đầu phải có một ngàn từ”.

Bài học giáo dục từ những trang sách: Tôi vẫn luôn nói với học trò của mình: “Đọc sách là khai mở nhân tâm”. Nhân tâm là lòng người, là tình cảm của con người. Vì vậy với việc đọc sách là việc chúng ta rèn luyện bản thân, qua từng trang sách, từng điều sách dạy để chúng ta rèn luỵên ý chí tình cảm, lòng thương yêu con người và cách đối xử với người theo lẽ phải với nhau. Gấp lại mỗi trang sách chúng ta càng thấm thía hơn những bài học về cuộc sống, về tình yêu thương thế giới xung quanh.

Là một cán bộ Đoàn thanh niên, một giáo viên trẻ tôi đã mang niềm đam mê và nhiệt huyết của mình để lan tỏa điều ấy đến với mọi người xung quanh. Bạn đọc sách, tôi đọc sách và mọi người cùng đọc sách. Việc giữ gìn những giá trị của sách truyền đến các thế hệ mai sau là trách nhiệm của mỗi người chúng ta. Người người đọc sách, nhà nhà đọc sách, ai ai cũng góp một phần nhỏ của mình vào việc xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi tin rằng văn hóa đọc sẽ lan rộng khắp cộng đồng! Qua Câu lạc bộ Đọc sách tôi mong muốn rằng việc đọc sách sẽ trở thành một nét sinh hoạt văn hóa, văn minh của những người yêu sách. Để làm sao văn hóa đọc luôn là nhu cầu không thể thiếu của học sinh – công dân văn minh trong thời đại ngày nay. Như Lê-nin đã dạy rằng: “Không có sách, không có tri thức. Không có tri thức, không có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”.

Huỳnh Phi Bảo (Vĩnh Long)

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/74-doc-sach-la-khai-mo-nhan-tam-a2709.html