Năm 1983, tôi là một giáo viên đang giảng dạy tại một huyện phía bắc thành phố Huế. Thời điểm đó cả nước đang gặp vô vàn khó khăn của thời bao cấp. Dạy học ở đó, tôi cũng được địa phương cấp cho mấy sào đất trồng thêm khoai sắn để cải thiện đời sống, nhưng nói thật đất đai không tốt, phân bón thiếu thốn, hơn nữa vì từ nhỏ đến lớn ở thành phố nên việc trồng trọt kém hiệu quả, những thành quả lao động cũng chẳng bõ công. Và thế là vợ chồng tôi có ý định xin chuyến đến dạy tại vùng kinh tế mới thuộc tỉnh Sông Bé thuộc miền Đông Nam Bộ.
Quyết định là vậy nhưng suốt một tháng trời trước thời điểm năm học 1982-1983 kết thúc, bao nhiêu câu hỏi cứ mãi trăn trở trong tôi. Nên đi hay nên ở...? Nếu đi thì phía trước là cả một con đường đầy khó khăn.
Cuối cùng,vợ chồng tôi đã chính thức quyết định: Hành phương Nam.
Chỗ chúng tôi chuyển đến là xã kinh tế mới của huyện Bình Long, cách TPHCM hơn 100 km. Đây là vùng kinh tế mới của người dân Sài Gòn. Trường học nhỏ và khoảng chừng mười mấy lớp, cả cấp 1 và cấp 2. Vợ chồng tôi được bố trí ở trong một căn nhà lợp lá dừa, vách bằng phên tre ở bên cạnh trường. Là vùng kinh tế mới ở đây không có điện, giếng nước tập thể rất sâu vì là vùng cao. Xung quanh trường xa xa là đồi núi, xen kẽ là những cánh rừng cao su ngút ngàn. Dân cư được phân bố trải dài theo hai bên quốc lộ 13, hầu hết là công nhân các nông trường cao su. Ngôi trường cạnh một cái chợ xép, ở đó lúc nào cũng có đồng bào dân tộc Stiêng ra vào mua bán nống sản..
Khung cảnh nơi đây thật buồn không như tôi tưởng tượng !
Đêm đầu tiên rất khó ngủ bởi không khí nặng nề do đầy là vùng cao. Trời chưa sáng, tiếng lộc cộc của những chiếc xe bò của đồng bào dân tộc trên con đất nghe thật ảo nảo !
Một điều an ủi cho chúng tôi là học sinh nơi đây rất ngoan hiền và chăm chỉ học tập. Đa số các em thuộc diện theo gia đình đi kinh tế mới, chỉ số ít là dân địa phương. Các em rất quý mến thầy cô giáo từ xa đến. Sau các buổi học, cuối tuần rảnh rổi chúng lại rủ nhau đến vui chơi chuyện trò với chúng tôi .
Mấy tháng sau, một em học sinh đến gặp chúng tôi và nói:
- Gia đình chú em không ở đây nữa mà về miền Tây sinh sống. Căn nhà của chú không ai ở, chú em nói thầy cô cứ việc sang đó ở..!
Vậy là vợ chồng tôi tự nhiên có được một căn nhà lá vách đất. Thấy tôi có được nhà mới, thầy Hiệu phó và một số đồng nghiệp, cùng vài em học sinh lớn ngày cuối tuần đã đến để sửa sang lại cho đàng hoàng, chắc chắn và tươm tất hơn.
Các em học sinh ở đây ngoài giờ học, đa số đều phải làm công việc ruộng rẫy, trồng cây trái phụ giúp thêm cho gia đình, tuy vậy nhiều em khá thông minh. Trong các tiết học của mình, tôi cố giảng giải bài học một cách ngắn gọn và dễ hiểu nhất để các em nhanh chóng tiếp thu. Các tiết học diễn ra thường vui vẻ, sinh động chứ không quá nặng nề, Tuy vậy, cuối năm thi chuyển cấp, tỉ lệ tốt nghiệp trung học cơ sở của trường tôi lúc nào cũng khá cao.
Địa phương cũng cấp cho gia đình tôi 3 sào đất để trồng điều,bấy giờ là mặt hàng chiến lược để xuất khẩu của nhà nước thời đó . Cây giống thì học sinh mang đến cho . Tôi thuê người cày và tự tay trồng cùng với một đồng nghiệp từ miền Bắc chi viện vào. Từ khi có vườn điều tôi cảm thấy công việc lao động thật mang lại nhiều ý nghĩa và niềm vui.
Chẳng mấy chốc vườn điều của tôi đã đến mùa thu hoạch. Gia đình tôi từ đó đã có thu nhập kha khá để mua được 1 chiếc xe gắn máy cũ để đi lại.
Năm sau, vợ tôi sinh được một cháu trai, cũng là lúc căn nhà lá cũng đã được sửa sang, lợp ngói, cột gỗ khá kiên cố.
Dạy học ở đây được 7 năm, do cha mẹ tôi cũng từ quê chuyển vào Đồng Nai sinh sống cùng với gia đình chú em. Cả hai đều trên 80 nên cần người qua lại chăm sóc, vì thế vợ chồng tôi xin chuyển về Đồng Nai công tác để có dịp gần gũi, chăm sóc cha mẹ già trong những tháng ngày cuối đời. Trước ngày chia tay, tôi gặp cô Hiệu trưởng để chuyển lại vườn điều đang thu hoạch lại cho nhà trường gây quỹ. Ngày tôi xa Bình Long là ngày thật buồn !
Sau này di chuyển công tác ở nhiều nơi, nhưng tôi không thể nào quên được những tháng ngày ở Bình Long- Sông Bé; nơi đó, tôi có những em học sinh ngoan hiền, lễ phép. Nơi đó, tôi được nhiều đồng nghiệp yêu mến, giúp đỡ trong bước đầu xa quê lập nghiệp. Những điều đó tạo thành bước ngoặt làm thay đổi cả cuộc đời tôi...
Tôn Thất Thọ (TP.HCM)
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/66-buoc-ngoat-doi-toi-tu-mot-vung-kinh-te-moi-a2505.html