Thiên tai lịch sử tàn phá miền Trung: Thủy điện không thể vô can

Theo PGS.TS Lê Bắc Huỳnh, Phó Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, mưa lũ kinh hoàng ở miền Trung đang diễn ra khiến tình trạng sạt lở, ngập lụt thêm nghiêm trọng. Ngoài biến đổi khí hậu, diễn biến khó lường của thời tiết, còn nguyên nhân gì làm cho thiên tai kinh khủng đến thế? Trong câu trả lời, thuỷ điện không thể vô can.

Hiện trường vụ sạt lở tại Đoàn 337 Hướng Hóa, Quảng Trị.

Thuỷ điện đang “chặt nát” các dòng sông

Mưa lũ ở miền Trung đang diễn biến phức tạp với số người thiệt mạng đã lên tới hàng trăm. Có ý kiến cho rằng thuỷ điện, phá rừng… chính là nguyên nhân của thảm hoạ tàn khốc này, ông nghĩ sao?

Nói thế thì có phần võ đoán. Nguyên nhân là mưa quá lớn, dòng chảy quá lớn, trong điều kiện địa chất không ổn định, thường xuyên diễn ra sạt lở… cộng với những tác động của thuỷ điện dẫn đến thảm hoạ nêu trên. 

Thuỷ điện đồng nghĩa với phá rừng?

Hiện xây dựng thuỷ điện cũng đã được siết chặt, nhưng rõ ràng làm thuỷ điện nhiều quá, dẫn đến tác động vào thiên nhiên nhiều quá, từ đường xá, khai trường (khai thác thiên nhiên làm công trường thi công công trình), làm cho sự mất cân bằng của nền địa chất tăng lên, dẫn đến sạt trượt. Thực tế ở Thừa Thiên - Huế, người ta làm quá nhiều thuỷ điện trên một đoạn sông ngắn. Mà làm công trình như thế thì cần đến đường sá, cần làm khai trường rộng để xây đập, xây tuyến nhà máy, nhiều tuyến đường dây để nối với mạng điện quốc gia… Tất cả đều động chạm đến bề mặt, từ đào bới cho đến phá rừng… Mà thuỷ điện nhỏ đa phần trên vùng núi cao, mà vùng núi cao thì chỉ có rừng chứ có gì đâu. Để được thông qua đề án làm thuỷ điện, địa phương tìm cách chuyển đổi đất rừng. Bảo rằng đó là rừng nghèo, rừng thưa… để chuyển đổi làm thuỷ điện. Rừng nghèo mà cứ để đấy thì vẫn tốt cho thiên nhiên hơn là làm thuỷ điện.

 PGS.TS Lê Bắc Huỳnh, Phó TổngThư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.

Ông đánh giá thế nào về thực trạng phát triển thủy điện hiện nay?

Thực trạng quy hoạch phát triển thủy điện đang “chặt nát” các dòng sông tự nhiên, vốn bao năm nước chảy xuôi dòng, thành từng khúc nhỏ với những điều kiện dòng chảy, nguồn nước rất khác biệt so với tự nhiên theo hướng ngày càng xấu. Trên một đoạn sông ngắn 60km mà có đến 5 - 6 thủy điện là rất bất ổn. Hiện nay, hoàn toàn thiếu việc đánh giá tác động tổng hợp của hệ thống bậc thang các hồ chứa trên lưu vực sông hoặc một địa phương nên không thấy rõ, thấy hết những tác động rất bất lợi của toàn bộ các công trình trên lưu vực đến tài nguyên, môi trường tự nhiên và xã hội, do đó thiếu những biện pháp giảm thiểu tác động hoặc biện pháp hạn chế cần thiết.

Nhưng công trình thuỷ điện theo đúng quy định thì phải thực hiện các đánh giá tác động môi trường (ĐTM)?

Vấn đề là các chủ đầu tư, chủ công trình thực hiện không nghiêm chỉnh các cam kết về bảo vệ môi trường; nhiều cam kết trong ĐTM không được chủ đầu tư thực hiện một cách triệt để như: Không thu dọn lòng hồ như quy định, không bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu; vận hành không theo quy trình hoặc chỉ vì lợi ích của tổ chức, cá nhân mình nên gây gia tăng lũ ở hạ du, suy kiệt nguồn nước ở hạ du...

Chủ tịch chỉ đạo, ai dám cãi

Như ông nói, bất cập hiện nay của phát triển thuỷ điện vừa và nhỏ là giao cho các địa phương, cụ thể thế nào ạ?

Theo phân cấp, việc quy hoạch hồ chứa, thuỷ điện vừa và nhỏ do UBND các tỉnh phê duyệt. Bất cập là địa phương không đủ năng lực thẩm định. Hai là địa phương tự đánh giá việc của mình thì liệu có ổn? Cùng một ông chủ tịch hay ông phó chủ tịch chỉ đạo, ai dám cãi? Vì thế, các công tác như ĐTM làm minh hoạ là chính. Nhiều thuỷ điện nhỏ tỉnh tự quyết định quy hoạch, chỉ xin ý kiến của Bộ Công Thương cho đúng quy trình, họ tự thiết kế, thi công, ĐTM nên có nhiều lỗ hổng. Chưa kể năng lực kém, đa phần họ chỉ nghĩ đến tiền, không có những người làm công tác chuyên môn sâu như địa chất công trình, thuỷ văn, thiên tai…

Công trình Thủy điện Rào Trăng 3.

Câu chuyện ở đây dường như thiếu sự kiểm tra giám sát đánh giá?

Vì thiếu sự phối hợp kiểm tra, giám sát của các ngành ở trung ương nên thường được điều chỉnh, bổ sung liên tục chạy theo cách nhìn nhận địa phương cục bộ, không phải cách nhìn mang tính tổng thể lưu vực (thay đổi vị trí, quy mô công trình, công suất, các hạng mục công trình...), trong khi lại thiếu phân tích đánh giá toàn diện các phương án điều chỉnh trên từng hệ thống bậc thang và toàn lưu vực.

Các quy hoạch liên tục được điều chỉnh theo hướng tăng số lượng các hồ chứa ở hầu hết các địa phương đang là “báo động” về tình trạng quy hoạch tùy tiện, thiếu kiểm soát từ cơ quan quản lý cấp trên. Tình trạng để xây dựng hàng ngàn hồ chứa trên một lưu vực sông có nguyên nhân từ sự bất cập của quy hoạch đang dẫn tới tàn phá vùng rừng đầu nguồn sinh thủy, tàn phá môi trường và tài nguyên... rõ ràng là không thể chấp nhận được.

Doanh nghiệp không “đếm xỉa” đến lợi ích của dân

Việc tư nhân xây dựng công trình thuỷ điện, hồ chứa có đảm bảo việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên như tài nguyên rừng?

Đa số các hồ chứa thủy điện vừa và nhỏ do tư nhân hoặc các công ty cổ phần là chủ đầu tư dẫn đến chủ đầu tư chỉ chú ý đến lợi ích phát điện, hoàn toàn không chú ý đến lợi dụng tổng hợp công trình, không “đếm xỉa” đến bảo đảm các lợi ích khác, thậm chí khi họ xây dựng đã kéo theo việc phá luôn rừng là nguồn sinh thủy bảo đảm tính bền vững của chính công trình thủy điện của họ.

Đây là sai lầm trong quản lý hay trong cách thực hiện?

Với điều kiện của nước ta nơi thường xuyên phải đối mặt với thiên tai lũ lụt trong mùa mưa và hạn hán thiếu nước trong mùa khô, trong khi đó đa số các công trình thủy điện vừa và nhỏ đều không bố trí nhiệm vụ cắt giảm lũ cho hạ du. Phải nói rằng, đây là mặt sai lầm lớn về mặt chủ trương và quản lý các công trình này mà trách nhiệm là từ phía các cơ quan quản lý nhà nước.

Nghĩa là do đơn vị thi công triển khai không thực hiện đúng quy định, còn Nhà nước thì chưa quản lý được?

Để nâng cao hiệu quả phát điện, doanh nghiệp thường xây dựng công trình kiểu đường dẫn, tức sử dụng đường ống áp lực hoặc đường hầm dẫn nước từ trên cao cắt một đoạn sông để chuyển đến một vị trí khác (không bố trí nhà máy phát điện ngay trong thân đập) ở thấp hơn để tạo đầu nước lớn phát điện (đây là cách xây dựng rất phổ biến hiện nay trên các sông suối nhỏ ở miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Hậu quả của kiểu bố trí công trình này là cắt nhỏ dòng sông (bằng đập chính, đoạn sông “chết” sau đập chính, kênh từ nhà máy xả nước trở lại sông, thậm chí xả nước sang một sông khác, chuyển nước từ lưu vực này sang lưu vực sông khác).

Thế thì công trình thuỷ điện liệu có khả năng phòng chống lũ theo lý thuyết?

Do chỉ chú ý đến hiệu quả phát điện nên trong nhiệm vụ thiết kế, xây dựng công trình, phần lớn công trình hồ chứa không có dung tích phòng, chống lũ cho hạ du (nhất là các công trình thủy điện vừa và nhỏ ở khu vực miền Trung), các tuyến đập không có giải pháp kỹ thuật (cống, tràn xả sâu, tràn sự cố...), quy trình không có biện pháp kỹ thuật bảo đảm vận hành cắt giảm lũ vào mùa mưa và cấp nước trong mùa khô nên nếu vận hành không hợp lý đều gây gia tăng lũ trong mùa ngập lụt ở hạ du hoặc không bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu cho hạ du trong mùa cạn làm các sông suối “khô héo” dần.

Phương thức khai thác, sử dụng nước như vậy, nếu không được đánh giá, cân nhắc đầy đủ các mặt lợi, mặt hại về tài nguyên, cảnh quan, môi trường tự nhiên và xã hội mà chỉ thấy lợi ích sản xuất điện trước mắt của tổ chức, cá nhân thì vùng đầu nguồn của đất nước ta sẽ tiếp tục bị phá nát, hậu quả lâu dài không thể khắc phục. Bài học phát triển ồ ạt công trình thủy điện dẫn đến hậu quả tai hại về môi trường của các nước phát triển là kinh nghiệm lớn cho Việt Nam hiện nay.

Trân trọng cảm ơn ông!

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/thien-tai-lich-su-tan-pha-mien-trung-thuy-dien-khong-the-vo-can-a2503.html