Nữ họa sĩ Thảo Nguyễn: “Học cách thương lấy chính mình sau bao lo toan”

Dẫu tốt nghiệp thạc sỹ ở Thuỵ Sỹ về khách sạn – du lịch nhưng Thảo Nguyễn lại theo đuổi đam mê nghệ thuật. Tháng 10/2019, chị mở cuộc triển lãm tranh đầu tiên tại Dot Art - một trong những phòng triển lãm tranh lớn nhất Liverpool nước Anh.

Rời Anh Quốc, trở về đất mẹ Bảo Lộc (Lâm Đồng), Thảo Nguyễn mang theo nhiều hoài niệm. Với chị, Bảo Lộc là cả một quảng đời tươi đẹp, sau những chuyến đi dài...

Ờ thì dại, nhưng lỡ mê rồi...

Tốt nghiệp ĐH KHTN TP.HCM, sau đó sang Thụy Sỹ để học quản lý khách sạn. Đến năm 2006, Thảo Nguyễn sang London để bảo vệ luận án thạc sỹ ngành khách sạn-du lịch, rồi điều hành hệ thống khách sạn tiết kiệm (budget hotel), gặt hái nhiều giải thưởng danh giá trong suốt 8 năm tham gia điều hành hệ thống khách sạn này. Cuối năm 2018, Thảo Nguyễn lại quyết định bỏ sự nghiệp ngành khách sạn để theo đuổi đam mê nghệ thuật.

Trong suốt 14 năm sống và làm việc tại Anh, cô chuyển từ London về Liverpool và mở cuộc triển lãm tranh đầu tiên tại Dot Art  vào tháng 10 năm 2019 tại một trong những phòng triển lãm tranh lớn nhất Liverpool.

Triển lãm thu hút đông đảo người hâm mộ, giới trẻ yêu thích nghệ thuật qua những bức tranh giàu biểu cảm, mang tính tự sự, với những vệt màu dứt khoát, rực rỡ đến từ sáp đốt nóng hay mật ong.

Lụa Bảo Lộc được nữ hoạ sỹ chọn làm nguyên liệu cho những "tác phẩm" nghệ thuật của mình

Trong đó, được yêu thích nhất chính là loạt tranh: longing (Khao khát-về cội nguồn), A Narow Alley (một con hẻm nhỏ), Not Long Til’ Am Home, Baby (Mẹ sắp về nhà rồi con) hay Grandpa’s Gate in Autumn (Cổng vào nhà ông vào mùa thu)..

Tháng 3/2020, Thảo Nguyễn về Việt Nam. Từ đây, dòng sản phẩm khăn-áo lụa Bảo Lộc với nét vẽ phóng khoáng, vẽ bằng màu nhuộm trên lụa mềm mại, không hề cứng, sờ vào sẽ chỉ có cảm giác sờ vào lụa, đang từng bước thành xu hướng-thương hiệu được chị lựa chọn.

"Và đã có người bảo tôi dại... Ờ thì dại, nhưng lỡ mê rồi thì sao. Thì cứ thử sức với nó đi vậy...", Thảo Nguyễn chỉ cười nói vậy mỗi khi ai hỏi về quyết định này - bỏ kinh doanh về khởi nghiệp...

Theo Thảo Nguyễn, khi đặt những nét vẽ đầu tiên lên dòng sản phẩm giàu văn hoá truyền thống này, lại gợi nhớ cho mình nhiều về nguồn cội. Chuyện về phố, những ngôi chợ trầm mặc biến mất sau cơn lốc đô thị hoá, với đồi chè xanh thẳm bên con phố nhỏ phù đầy sương sớm hay chính ngôi nhà ngay sát xưởng chè tỏa hương thơm ngát mỗi sớm mai trở thành chất xúc tác tuyệt vời để tôi gởi vào mỗi bức tranh, hơi thở phố thị Bảo Lộc của riêng mình.

Tuy nhiên, việc lựa chọn chất liệu truyền thống lụa Bảo Lộc, Thảo Nguyễn đã gặp không ít những khó khăn. Đó chính là vẽ trên lụa rất khác vẽ lên những vật liệu khác vì màu nước khi bỏ lên vải sẽ lem luốc ra vải cực nhanh và không kiểm soát được.

“Dù là vẽ tranh lụa, khăn lụa, hay áo dài đều chăm chút từng khâu. Từ làm nguyên liệu hay làm viền khăn cho đến vẽ phác họa lên giấy, chuyển phác họa qua vải, dùng keo chặn màu để màu khỏi lem ra vải, phối màu vẽ, xử lý nhiệt để giữ màu, xử lý keo chặn màu, vẽ lại những chỗ đã xử lý keo,… là cả một quy trình công phu đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn của người...”, Thảo Nguyên tâm sự.

Học cách thương lấy chính mình sau bao lo toan...

Thế rồi, sau nhiều tháng thử nghiệm, hiện tại nữ họa sĩ đã đón tin vui đầu tiên khi xuất được những bức tranh lụa và đơn đặt hàng khăn lụa đầu tiên sang Anh và Mỹ. Lụa Bảo Lộc trở thành lựa chọn hàng đầu của chị khi thực hiện sản phẩm áo dài-tranh-áo công sở.. Phải chăng từ vô thức, Bảo Lộc đã in sâu trong kí ức chị cả một thời thơ ấu, nên chị lựa chọn?

Với Thảo Nguyễn, chọn lụa Bảo Lộc như cách chưng cất những gì tươi đẹp nơi mình đã sinh ra

Nữ họa sĩ Thảo Nguyễn cho hay: Trong cái mớ bòng bong giữa lụa thật và giả, chị đã học được rất nhiều, từ việc thích ứng lại với văn hóa Việt cho đến cách suy nghĩ của người Việt. Và ở một số thị trường nước ngoài, lụa của họ có thế mạnh cạnh tranh hơn lụa của Việt Nam rất nhiều. Vấn đề của chúng ta hiện nay là sự trung thực về nguồn hàng và giá cả với người mua. Tôi dùng lụa Bảo Lộc, không những vì Bảo Lộc là nơi chị sinh ra và lớn lên, mà vì lụa Bảo Lộc có chất lượng ổn định và là niềm tự hào dân tộc của riêng chị.

Theo đuổi đam mê và phải chấp nhận từ bỏ 20 năm theo học khách sạn – du lịch ở Châu Âu, nhiều lúc chị cũng có chút luyến tiếc. Chị cho hay, quyết định bỏ gần 20 năm kinh nghiệm và một mạng lưới những mối quan hệ trong ngành khách sạn để bắt đầu từ con số không với nghệ thuật quả không dễ dàng chút nào!

Thảo Nguyễn còn nhấn mạnh: “Câu hỏi tôi luôn đặt ra cho mình là mình sống có vui không và mình có yêu những thứ mình đang làm không? Tôi rất may mắn vì luôn nhận được sự động viên rất lớn từ gia đình, bạn bè và những người thầy dạy vẽ của tôi trong sự thay đổi này! Cho tới giờ phút này, tôi vẫn luôn nghĩ việc mình đánh đổi mọi thứ để được làm những gì mình yêu thích là môt quyết định rất sáng suốt. Như là một cách để trở về . Học cách thương lấy chính mình sau bao lo toan.”

“Đặc biệt, tôi luôn tin vào năng lượng của sự tập trung cũng như thường xuyên trau dồi kiến thức và những kỹ năng nghề nghiệp. Vẽ từng ngày để rèn nghề cũng như chuẩn bị thật chu đáo nhất cho triển lãm cuối năm 2020 tại Anh. Với tôi, không có sự thành công bền vững nào mà không có sự kiên định, lạc quan và tinh thần chịu học hỏi. Sự nỗ lực nào cũng có cái giá của nó. Và duy trì sức khỏe và sự tập trung bằng bơi lội và thiền mỗi sáng. Dù có những ngày nhiệt độ Bảo Lộc xuống khá thấp.”, Nữ hoạ sĩ Thảo Nguyễn.

Đinh Quý Anh (thực hiện)

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/nu-hoa-si-thao-nguyen-hoc-cach-thuong-lay-chinh-minh-sau-bao-lo-toan-a2388.html