Trượt đại học
Bên trong tòa nhà đang thi công, dưới cái nóng gay gắt của mùa hè, áo tôi ước sũng mồ hôi, còn tay thì dính đầy xi măng. Không chỉ tôi, những đồng nghiệp của tôi cũng không khá hơn chút nào với công việc lao động chân tay của thợ xây dựng. Gọi là “đồng nghiệp” cho oách, nhưng toàn các chú, các bác ở độ tuổi trung niên và có kinh nghiệm nghề nghiệp, còn tôi thì xin được chân phụ việc vặt vì vừa mới thi trượt đại học. Năm ấy, 2003, tôi vừa tròn 18 tuổi.
Thật ra, việc trượt đại học với tôi là một việc hiển nhiên, hoặc quá bình thường với tất cả người thân trong gia đình, hàng xóm. Nếu xét từ dòng họ bên nội lẫn ngoại trong lịch sử trăm năm trở lại đây, thì người học cao nhất cũng chỉ đến lớp 10 rồi sau đó kiếm nghề mưu sinh từ phụ hồ đến đạp xe thồ, xích lô, bán hàng rong… giống như những người cùng khu xóm. Xét bản thân, thì học lực của tôi thuộc loại xoàng nếu không muốn nói một cách chính xác là trung bình - yếu cho tất cả các cấp học. Học xong lớp 12 âu cũng là quá tốt đối với tôi rồi. Làm thợ thì cần phải học gì cho cao.
Tác giả trong ngày nhận bằng Thạc sĩ luật Kinh tế
Tai nạn công trường
Cùng phụ việc với tôi ở công trường là một bạn học chung lớp cấp 3. Vào ngày thứ bảy đi làm kể từ ngày đầu tiên nhận việc, tôi và bạn được phân công đứng dưới đất đưa tấm lợp kim loại lên nóc nhà để lợp mái. Không may tai nạn xảy ra, tấm lợp vừa đưa lên chưa cố định thì bị tuột xuống. Bạn tôi theo phản xạ dùng tay đỡ lại nếu không thì tấm lợp từ trên cao trượt xuống sẽ cắt ngang cổ hai thằng bé đang đứng ở bên dưới. Kết quả cả bàn tay bạn tôi bị tấm lợp cứa, vết thương khá sâu, nhìn thấy cả xương bên trong thớ thịt, máu lênh láng, phải đưa đi bệnh viện cầm máu và khâu vết thương.
Đó là khoảnh khắc đầu tiên trong đời tôi thấy tai nạn lao động có máu chảy nhiều như vậy. Thật khủng khiếp. Càng tệ hơn khi thù lao làm việc là 30 nghìn đồng/ngày cho thợ phụ, được nhà thầu thi công nhanh chóng thanh toán cho bạn tôi, thông qua việc nhờ tôi chuyển giúp. Không có bất cứ một khoản hỗ trợ y tế, hay phục hồi sức khỏe nào sau đó. Cái giá phải trả cho sức lao động chân tay thật rẻ mạt. Tôi tự hỏi: làm gì để thoát khỏi thực trạng này? Các chú, các bác “đồng nghiệp” mách: ráng học mới thoát nghèo được nhỏ ơi, chứ làm thợ xây thì làm ngày nào xào ngày đó, ốm đau tự lo. Mơ hồ trong một khảnh khắc, tôi muốn được học tiếp. Tôi muốn cuộc đời mình phải khác đi, được đến giảng đường và lao động bằng tri thức. Nhưng khác làm sao được khi kinh tế gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo của địa phường trong nhiều năm, học tiếp sẽ là một gánh nặng với gia đình. Vậy là tôi vẫn tiếp tục công việc của mình, một người phụ hồ. Ước mơ có thể chỉ là ước mơ.
Sang tháng thứ hai, khi chứng kiến phía đối diện công trường là một công trình khách sạn đang thi công, một công nhân ngã từ trên tầng 4 xuống bất động tại chỗ, tôi thật sự hoang mang. Tai nạn công trường luôn tiềm ẩn. Càng hoảng sợ bao nhiêu, khát vọng được sống, được học và tiếp tục cống hiến cho cuộc đời của tôi càng lớn bấy nhiêu: học để có tri thức và lao động bằng tri thức. Ước mơ đến giảng đường thôi thúc tôi phải hành động để thay đổi. 12 năm học đã xong, chỉ cần cố gắng một chút nữa thôi, một chút nữa thôi.
Đường đến giảng đường
Năm 2004, nhận giấy báo trúng tuyển đại học, tôi mừng lắm. Họ hàng bất ngờ. Hàng xóm chẳng mấy ai tin. Cũng đúng thôi. Một thằng bé, sức học loại xoàng, suốt ngày đi xúc cát, trộn hồ xi măng thì lấy thời gian đâu mà ôn thi. Ấy vậy mà tôi đậu đại học chính quy thật.
Cát tại công trường như là giấy, cái bay thợ xây là bút. Thời gian nghỉ ngơi dăm ba phút, các bác thợ cả ngồi uống nước, hút thuốc lá chính là thời gian mà tôi tranh thủ học. Các dòng chữ loằng ngoằng trên cát, viết rồi lại xóa, cứ thế ngày ngày trôi đi. Miệng tôi cứ lẩm nhẩm đọc, trong khi tay bưng gạch giao cho bác thợ cả.
Nhìn ra ngoài kia, thỉnh thoảng tôi lại thấy các anh chị sinh viên đi học về ngang qua công trường, trò chuyện về giảng đường, tôi tự hỏi: không hiểu cái giảng đường nó trông như thế nào?
Thế rồi khi nhận giấy báo trúng tuyển, tôi cũng quyết tâm thu xếp mọi việc để đến với giảng đường dù rằng còn rất nhiều thứ phải lo về cơm áo gạo tiền. May mắn thay, tôi cũng vay được một khoản vay dành cho sinh viên của Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ, đủ để trang trải học phí.
Ngày tôi tốt nghiệp ra trường, tôi đang nợ ngân hàng chưa trả được đồng nào. Cho mãi đến 5 năm sau đó, đi làm ở một vài cơ quan, tôi mới trả hết nợ cho khoản vay từ thời còn sinh viên. Ấy vậy mà tôi lại muốn học nữa.
Ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng được lựa chọn cách mình sẽ sống
Nếu không có cái khoảnh khắc tai nạn công trường ngày đó, có lẽ hôm nay, tôi sẽ là một người thợ xây có kinh nghiệm trong xóm nhỏ bên núi Đập Đá - Thành phố Huế - tỉnh Thừa Thiên Huế với cái Giấy chứng nhận Hộ cận nghèo nhiều năm liền cũng nên. Ấy vậy mà gia đình tôi đã thoát cận nghèo.
Tôi nghĩ đến câu nói:“Ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng được lựa chọn cách mình sẽ sống”. Thật đúng làm sao. Nếu ngày ấy, tôi không lựa chọn sự đổi thay…
Và giờ đây, tôi đang ngồi bên góc phòng để nghiên cứu về công tác thực thi pháp luật.
*Bài viết là cuộc đời, quan điểm sống của tác giả, hiện đang công tác tại Cục Quản lý thị trường tỉnh Thừa Thiên Huế.
Phạm Công Thành (TT.Huế)
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/54-cat-bay-cat-xay-va-khat-vong-a2371.html