Giọng Đà Nẵng: Nghe dễ thương hì!

Giọng người Đà Nẵng nói lên là biết liền hà. Giữa muôn trùng biển người, chỉ cần giọng nói vang lên là dễ dàng nhận ra họ. Cái giọng không cao và luyến láy như người Hà Nội; trầm lắng, thanh thanh như tiếng Huế; cũng chẳng một chút “ngọt ngọt” Sài Gòn. Ấy chính là nét dễ thương riêng mà chỉ người Đà Nẵng mới có.

Ta nói giọng chi mà ngang ngang, sang sảng không có theo quy tắc chi hết. Mà đặc biệt trong cách người Đà Nẵng nói chiện cùng nhau là đệm thêm mấy từ “mô, tê, răng, rứa, khan,...” ở cuối câu. Bởi người ta du lịch đến đây, hổng chỉ vì danh lam thắng cảnh đẹp, mà còn cả giọng nói ni nữa đó - trong đó có cả tui, chàng trai sống 3 năm trên mảnh đất miền Trung thân yêu.

Bạn đến chơi nhà, tiếp đãi nồng hậu. Bạn về, hồ hởi buông một câu: “Thôi, tui về hỉ!”. “Ời, về cẩn thận xí nghe!”.

Hai đứa nói chuyện với nhau, quay đầu qua đứa kế bên: “Reng núa khan rứa mi, im ta kể nè !”. Đứng hình hổng hiểu gì luôn.

Người Đà Nẵng có thói quen hay nói: “Cái chi rứa bay?”, “răng rứa bay?”, “chuyện chi rứa hè ?”. Nghe như tự hỏi chính mình vậy đó, nhưng thực ra đang tò mò chuyện gì đấy và hỏi bâng quơ nửa thật nửa đùa vậy mà.

Tiếng Đà Nẽng ni là rứa đó, nếu bạn giả giọng Đà Nẵng nói chuyện mà bỏ quên mấy tiếng đệm, mấy tiếng đặc trưng ni thì bạn “im choa đi cho rồi!”.

Người Đà Nẵng có thói quen gọi “Mi-ta” hơn là gọi mày-tao như Sài Gòn hoặc Cậu-tớ ở Miền Bắc. Bởi dậy, phần xưng hô cũng đã mang một màu sắc riêng. Nếu đúng dân Đà Nẵng, yêu người Đà Nẵng, hiểu người Đà Nẵng thì sẽ thấy cách xưng hô ấy chẳng những không có gì là thô thiển mà thay vào đó là sự gần gũi, thân thiện như chính con người nơi đây vậy!

Xưng hô ngang hàng, ngang vế với nhau, thân thiết gọi tiếng Mi-Ta nó cứ tự nhiên, sảng khoái một cách thiệt là khó tả. Còn ra chợ gặp người lớn tuổi thì : “Dì, Chú, Thím,..” phù hợp tuỳ thuộc vào ngữ cảnh lúc đó. Gọi thì vậy, còn xưng sẽ xưng “Con”, nghe thân quen lạ lùng chứ không phải là cháu như những miền khác họ hay gọi.

Cách xưng hô của người Đà Nẵng là vậy, không cầu kì, không hoa mỹ. Nghe là cảm nhận được sự chân chất gần gũi, đậm chất miền Trung chảy mạnh trong từng nhịp thở của con người nơi đây.

Cứ về lại Đà Nẵng, nghe câu “Mi đi mô về rứa ?” nghe bùi ngùi biết bao.

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/giong-da-nang-nghe-de-thuong-hi-a2354.html