Ba tháng trước đây, bố tôi nằm viện do tai nạn khi đang đi xây. Ông bị ngã từ tầng 2 xuống và chân bất động. Bố tôi được chuyển ngay vào bệnh viện Việt Đức để cấp cứu và được chẩn đoán bị liệt 2 chân, gãy 2 đốt sống cột sống D12- L1 và liệt chi dưới cần phải phẫu thuật gấp để nắn cột sống.
Ngày đầu bố tôi nhập viện cấp cứu ở bệnh viện Việt Đức, tôi đứng trực ở phòng cấp cứu. Hàng loạt những ca tai nạn, chảy máu, gãy tay, vỡ đầu, máu me be bét nhập viện tính theo từng giây trông thật khiếp sợ. Tôi tự hỏi tại sao lại có nhiều người bị thương như vậy, và họ cũng giống tôi, người thân họ cũng giống mình cũng sốt ruột gan như này, rồi các bác sĩ cứ chạy lên chạy xuống để tiếp những ca cấp cứu, làm sao học có thể chữa trị hết cho các bệnh nhân mà nhiều như thế này. Trong phòng trực cấp cứu có bao nhiêu ca bệnh đang nằm chờ để lấy kết quả, còn tôi, vì phòng nóng quá do chỉ có quạt trần thôi không đủ mát, tôi kiếm được chiếc quạt giấy, quạt liên tục chỉ để mong sao bố thấy mát, cảm thấy bớt đau hơn.
Tôi trông bố sau khi bố tôi mổ xong, cơ thể ông lúc đó hầu như không có cảm giác gì cả. Tôi cứ chạm vào bàn chân ông và hỏi: bố ơi, bố có cảm thấy con đang chạm vào chân bố không? Bố tôi chỉ lắc đầu. Bố ơi, bố thử cử động chân cho con xem đi? Bố rung rung chân thôi cũng được. Nhưng ông chỉ nhìn tôi và lắc đầu. Đó cũng là lý do mà tại sao, trong phòng bệnh có 13 bệnh nhân đang điều trị, không một người nhà nào được ở lại mà chỉ có duy nhất mình tôi ở lại với ông. Nhìn đôi chân của bố, nhìn vết mổ bị rạch ra ở giữa sống lưng mà nước mắt tôi cứ tuôn ra, tôi không khóc thành lời. Chỉ biết nhìn bố thôi. Và mong rằng bố sẽ sớm khỏi bệnh để đi lại.
Nằm ở bệnh viện Việt Đức được 4 ngày, bố tôi và một số bệnh nhân sau khi phẫu thuật xong được chuyển sang điều trị để phục hồi chức năng ở Bệnh viện Châm Cứu Trung Ương trên đường Thái Thịnh. Trong phòng bệnh của bố tôi cũng có khoảng 12 bệnh nhân. Bên cạnh là một em trai 20 tuổi, cũng bị liệt 2 chân do bị tổn thương bởi đá rơi vào người trong khi làm ở lò đá. Một bác cũng nằm viện được 4 tháng rồi, cũng bị tê liệt 2 chân chưa đi lại được. Còn các bệnh nhân khác, đã điều trị 3,4 đợt rồi quay về nhà và đợi đợt tiếp để điều trị tiếp theo. Mỗi chiều tôi đi mua cơm về cho bố ăn, có một anh hay ngồi dưới chân tòa nhà để hóng gió. Gặp bất kỳ ai đi qua là anh chào: “Chào anh, chào chị đi mua thức ăn về đấy ạ!’’ cho dù không chắc người ta có nghe anh nói hay không.
Tôi nghe mọi người kể rằng anh làm nghề đưa phát báo mỗi buổi sáng. Một vụ tai nạn khiến anh phải phẫu thuật não tại Bệnh viện Bạch Mai, rồi sang điều trị phục hồi chức năng tại Châm cứu Trung Ương, thắm thoắt đã 4 năm nằm viện rồi. Di chứng vẫn còn để lại, anh có thể cười nói với tất cả mọi người cùng một câu chuyện như nhau bằng một thái độ không biết vui hay buồn. Thoạt nhìn ai cũng nghĩ anh bình thường, nhưng thật ra anh phải đi lại bằng gậy, còn tai thì “nghễnh ngãng”. Anh đã phải phấn đấu để chống chọi với cuộc sống này trong 4 năm qua và chắc sẽ còn lâu hơn nữa.
Tôi chăm sóc bố được mấy ngày, thì mẹ tôi vào thay. Sau giờ làm, tôi về nhà nấu cơm mang vào cho bố. Mỗi ngày thay đổi một món, có bữa cơm, bữa cháo, bữa phở... Thời gian đầu, bố không ngồi dậy được, tôi phải xúc cho ông ăn. Nhìn bố cố gắng ăn từng miếng mà nước mắt cứ chảy ra vì chân vẫn còn rất đau và tê buốt, tôi cảm thấy rất thương bố nhưng cũng rất vui khi nghe bố nói rất thích ăn những món do tôi nấu. Dần dần bố tôi ngồi dậy được, cảnh tượng ông ngồi ăn những món ăn tôi nấu làm tôi thấy hạnh phúc và sung sướng quá.
Sang tháng thứ 2 nằm viện, tôi vẫn cứ ngóng đợi kết quả từng ngày để xem bố tôi có tiến triển gì không và bao lâu thù có thể đi lại được. Bác sĩ trả lời, việc đi lại phụ thuộc bệnh nhân có chăm chỉ luyện tập và cố gắng hay không thôi chứ cũng chưa dám chắc điều gì.
Đến một hôm, tôi mang đồ ăn vào và thấy bố tôi đang ngồi ngoài hành lang. Bố tôi đang ngồi tập đi rồi.
Đôi bàn chân lạnh cứng. Những ngón chân cứng đơ cố gắng lê những bước rất nặng nề. Bàn tay xương xương run run bám chặt vào xe tập chữ U trên nền của bệnh viện Châm cứu Trung Ương. Tôi vỡ òa trong hạnh phúc. Cả đêm tôi mơ về cảnh tượng đó, bố tôi một ngày nào đó sẽ đi lại bình thường.
Có những con người đang chống chọi hằng ngày để vượt qua bệnh tật để tiếp tục góp mặt trên cuộc đời này. Tất cả chúng ta đều trân trọng giá trị sống, trân trọng những người thân bên mình và trân trọng vì cuộc đời này cho chúng ta niềm vinh dự được có mặt.
Tôi mong rằng bố tôi sẽ sớm bình phục và các bệnh nhân nằm ở trong bệnh viện đều trị kia sẽ sớm ra viện để với gia đình họ. Và quan trọng hơn, gia đình tôi biết ơn các bác sĩ đã ngày đêm chữa trị cho các bệnh nhân bằng tất cả tâm và đức.
Hà Nội, tháng 8/2020
Nguyễn Thị Mai (Hà Nội)
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/bai-du-thi-32-ban-co-dang-tran-trong-cuoc-song-nay-a2297.html