Vượt lên sự kỳ thị

Nhiều bạn trẻ thường hỏi tôi: “Chị ơi, có sự kỳ thị với người khuyết tật không?”. Từ kinh nghiệm sống của mình, tôi thật thà trả lời là: “Có!”

Ở một số người, sự kỳ thị với người khuyết tật là có. Tôi đã từng rất buồn vì sự kỳ thị đó cho đến khi tìm thấy khoảnh khắc đáng sống của mình, mọi việc đã được thay đổi.

Tôi chia sẻ về niềm vui khi vượt qua sự kỳ thị trên sân khấu Cất Cánh – VTV1 vào tối ngày 22/12/2019.

Tôi được đào tạo chuyên môn tốt, lại chăm chỉ, tận tâm trong công việc và nếu không vì khuyết tật, tôi sẽ dễ dàng tìm được việc làm với thu nhập tốt. Thế nhưng, khi cơ quan nhận tôi vào làm việc, ngay lập tức những người lãnh đạo ở đó được đánh giá là có tấm lòng cao cả; còn tôi được coi là may mắn. Khi tôi làm được nhiều việc bình thường như một số người khác, rất lạ là mọi người lại coi là kỳ tích đặc biệt:

- Chị ấy nói tiếng Anh như gió, đánh máy được 10 ngón như lướt trên phím đàn, đến tận mấy chục nước, đi công tác được cả miền núi, tập huấn cho cả thầy cô hiệu trưởng...

Khi tôi làm sai hỏng việc gì, có khi lại được biện minh:

-Thôi thông cảm vì chị ấy bị thiệt thòi, cần được ưu tiên.

Hơn 16 năm đi làm, tôi chỉ được khuyến khích làm kỹ thuật, không được cân nhắc làm sếp vì không có dáng lãnh đạo. Đấy là ở cơ quan, còn khi ra đường, thi thoảng, tôi bị cả những đứa trẻ bằng tuổi con mình hét vào mặt:

-Người lùn này.

Với nhiều người, khi biết tôi đã học xong Thạc sĩ, họ vô cùng kinh ngạc. Vì là người khuyết tật, tôi bị dán nhãn ”thất học, không có tiền” nên khi tôi vừa bước vào cửa hàng quần áo, người bán hàng chạy ra nói: ”Hàng này đắt lắm em ạ”. Khi tôi đi chiếc xe máy ba bánh của mình trị giá 30 triệu, không ít người lắc đầu kinh ngạc nói:

-Làm gì mà lãng phí thế. Người khuyết tật đi xe 5-10 triệu là được.

Khi tôi cùng các bạn bè cưỡi xe ba bánh dừng trước đèn đỏ, mọi người nhìn chúng tôi chằm chằm chỉ vì chúng tôi cười nói vui vẻ, rất khác điều họ nghĩ: Người khuyết tật phải trông đáng thương.

Trước đây, tôi đã khóc, trách móc bố mẹ đã sinh ra tôi nhưng vào năm 24 tuổi, khi tình cờ quan sát cách một cô hotgirl cố gắng câu “ánh mắt, bình phẩm”, tôi nhận ra: vì tôi khuyết tật nên đương nhiên cũng thu hút nhiều ánh nhìn, bình phẩm như mấy cô hoa hậu, người mẫu, hotgirl đó.

Trong khi họ tìm đủ cách, cả chiêu trò chỉ thu hút nhiều hơn thì tôi lại khóc lóc vì điều này. Đây chính là khoảnh khắc đáng sống mang lại sự thay đổi từ khi tôi bắt đầu nghĩ mình là một “người mẫu chân siêu ngắn”. Tôi biết ơn những gì mình có, luôn tự tin thể hiện mình và thông cảm cho những người kỳ thị mình.

Tôi làm việc với sự vui vẻ và biết ơn cơ quan đã đón nhận người khuyết tật như tôi.

Việc biết ơn mang đến hạnh phúc cho tôi. Tôi làm việc với sự vui vẻ và biết ơn cơ quan đã đón nhận người khuyết tật như tôi. Không được lên sếp, tôi tập trung phát triển chuyên môn. Tôi biết ơn vì mình may mắn vẫn tự đi lại được, có thể nghe, nhìn và làm nhiều điều thú vị trong cuộc sống. Tôi biết ơn cả những người kỳ thị với mình vì chính họ khiến tôi phấn đấu để thành công hơn.

Tôi làm dự án tình nguyện đến các trường đại học, nói chuyện về quyền người khuyết tật.

Với những người tò mò ngắm nghía, phân tích và thích bình luận sau lưng tôi, tôi chủ động làm quen với họ:

- Tôi là Châu, bị bệnh loạn sản sụn nghĩa là sụn sinh ra nhưng không tạo thành xương được nên tôi chỉ cao 1m19cm. Nguyên nhân là một nhiễm sắc thể trong cơ thể tôi lúc hình thành thai nhi đã thích thể hiện mình nên không đi theo hàng mà đảo đoạn. Nói chung, bất kỳ ai cũng có thể gặp tình huống như tôi. Cả nhà tôi không ai thấp, tất cả đều nổi tiếng đẹp. Tôi đã học xong thạc sĩ, đang làm việc cho một tổ chức quốc tế.

Trong lúc tôi nói, rất nhiều người vội vàng ghi chép hoặc giơ điện thoại lên chụp ảnh, quay clip, thậm chí livestream luôn. Tôi cười vui vẻ, tạo dáng để trong ảnh trông tôi phải xinh đẹp và vui vẻ. Việc cho người khác cơ hội hiểu đúng về sự khuyết tật của mình giúp họ thấy gần gũi và từ đó ít kỳ thị hơn.

Tôi cũng dần để ý nhiều đến ăn mặc, khi ra ngoài sẽ trang điểm cho xinh. Lúc gặp người lạ, tôi cũng run lắm nhưng khi ý chí nhắc nhở về sự tự tin, tôi lại nói, cười và chọc ghẹo mọi người. Thi thoảng, vẫn có những người không dám đứng gần tôi vì ngại. Vì vậy, khi phải tạo nhóm thảo luận, để chắc chắn mình không rơi vào tình huống bị bỏ lại phía sau vì không ai chọn mình, tôi sẽ nói to trước:

-Tôi thích làm thành viên của một nhóm năng động và thân thiện lắm, các anh chị cùng tôi tạo nhóm nhé.

Chỉ một câu nói thế thôi, nhóm tôi sẽ đông nhất luôn.

Khi tôi gặp những em bé hay thích gào lên trước mặt mọi người:

-Người lùn đến này!

Tôi dừng lại hỏi:

-Mẹ cháu đâu? Cô bằng tuổi mẹ cháu đấy!

Bà mẹ vội vàng bắt con xin lỗi. Có những cháu vẫn cười vô tư, không xin lỗi, tôi sẽ bảo:

-Cô cháu mình nói chuyện với nhau nhé.

Có cháu nghe thế thì chạy đi, có cháu lại gần hơn, hỏi đủ thứ chuyện, tôi vui vẻ trả lời.

Với những người lớn, nếu thích nhìn tôi chằm chằm, tôi sẽ nhìn lại cho đến khi người đó xấu hổ quay đi. Khi đi mua quần áo, tôi luôn ăn mặc tươm tất và đặc biệt tỏ ra tự tin, sành sỏi. Khi đấy, đố cô bé bán hàng nào dám nói là ”Đắt lắm!”. Với những người nói rằng người khuyết tật không nên đi xe đắt tiền, tôi mỉm cười đáp: “Đi xe tốt mới an toàn chứ”.

Chúng ta chỉ có thể thay đổi bản thân mình, chứ không thể thay đổi người khác nếu họ không muốn. Hãy làm cho mình hạnh phúc, tự tin ngay cả trong những tình huống khó khăn. Khi bạn hạnh phúc, tự nhiên, sự kỳ thị trong xã hội sẽ trở nên nhỏ bé, không đủ để làm rào cản ngăn bước bạn thành công.

Nguyễn Thanh Tân (Hà Nội)

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/19-vuot-len-su-ky-thi-a2270.html