Chuyện về một mùa hè đáng nhớ

“Và tôi sống như đóa hoa này/Tỏa ngát hương thơm cho đời/Sống với nỗi khát khao rằng/Được hiến dâng cho cuộc đời/Hôm nay dẫu có gian nan thì ngày mai là ngày tươi sáng hơn/Tôi sẽ viết lên câu chuyện của cuộc đời/ Riêng tôi..!” (Sống như những đóa hoa – Tạ Quang Thắng)

Câu chuyện mà tôi sắp kể đây là về một trải nghiệm khó quên nhất, về những “bông hoa” tuy không được hoàn thiện như những bông khác nhưng vẫn tỏa ra nét đẹp độc nhất vô nhị không gì so sánh được, đẹp – một vẻ đẹp của riêng mình.

Tôi - một cô sinh viên đại học 20 tuổi, được sinh ra trong một gia đình có cuộc sống đủ đầy no ấm, tuy không quá dư dả nhưng tôi vẫn chưa bao giờ phải trải qua cảm giác thiếu thốn về vật chất hay tinh thần. Vào năm tôi 18 tuổi, sau khi có kết quả thi Trung học Phổ thông Quốc gia, tôi bàng hoàng nhìn dòng chữ thông báo “Không đậu” – tôi trượt nguyện vọng một. Chỉ thiếu có 0.2 nữa thôi..! Thế mà..

Tôi luôn có mong muốn được học ở Thành phố Hồ Chí Minh sầm uất và đầy ắp cơ hội phát triển bản thân, nên cả hai nguyện vọng đầu tiên đều là hai trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh. Thế nhưng, nguyện vọng hai tôi cũng không đậu nốt vì họ đã tuyển đủ sinh viên sau kỳ thi đánh giá năng lực.

Một loạt cảm giác hụt hẫng, đau đớn, tức giận, ganh tị,... bao trùm lấy tôi từ đỉnh đầu đến từng ngón chân. Hai đêm liền sau khi nhận được thông báo, tôi khó nhọc đi vào giấc ngủ với đôi mắt nhòe nhoẹt nước và nỗi uất ức ngập tràn trong tâm trí. Tôi cảm thấy cuộc sống chẳng còn ý nghĩa gì nữa, bao nhiêu dự định, hoài bão, ước mơ đều đổ sông đổ biển.

Cuối cùng, tôi vẫn học tại một trường đại học ở thành phố quê tôi.

Vào mùa hè đầu tiên ở ngôi trường mới, tôi đăng ký tham gia làm thành viên tình nguyện cho một sự kiện có tên: “Hòn Tằm – Thắp sáng những ước mơ” – được tổ chức nhân dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 với sự tham gia của hơn 600 trẻ em khuyết tật đến từ 40 cơ sở, trường học trên toàn quốc. Nhiệm vụ của tôi là trở thành hỗ trợ viên cho một nhóm trẻ em khiếm thị đến từ Trung tâm Khiếm thị Nhật Hồng.

Khoảnh khắc tôi bước vào căn bungalow, tôi không biết rằng đó sẽ là một trong những ngày có ý nghĩa nhất cuộc đời tôi. (Ảnh tác giả cung cấp)

Các bé đều mặc một bộ đồng phục màu hồng đặc trưng của Trung tâm. Mức độ khiếm thị của mỗi bé là khác nhau, có bé có thể lờ mờ nhìn được, có bé thì không thể nhìn được gì và phải đưa tay chạm vào các vật xung quanh mình để tìm lối đi sao cho không bị vấp ngã. Điều đầu tiên các bé làm khi đến một nơi mới đó là đi xung quanh căn bungalow để sờ, chạm vào các đồ vật bày biện xung quanh như bàn, ghế, cột nhà... để làm quen với địa hình. Bản thân tôi – một người lần đầu tiên tiếp xúc ở cự ly gần như vậy với người khiếm thị, những phút giây đầu tiên khi tôi nhìn thấy cảnh tượng này, cảm xúc của tôi đông cứng, tay chân luống cuống và cứ đứng chôn chân ở góc phòng, không biết phải xử sự ra làm sao để tránh làm tổn thương đến các bé. Thế nhưng sau đó, người bảo trợ đến và chào hỏi tôi, giới thiệu tôi với các bé rất tự nhiên, chỉ một lát sau là tôi đã có thể cùng chơi trò đố hát, cùng đùa giỡn với mọi người. Các bạn nhỏ vô cùng nhạy bén, lém lỉnh, hài hước và cực kỳ thông minh, tầm hiểu biết của các bạn ấy về một số lĩnh vực như toán học, vật lý, văn học còn phong phú và dày dạn hơn tôi rất nhiều. Không những thế các bạn ấy còn biết chơi một số nhạc cụ như đàn organ, sáo và trống cajon.

Các bạn nhỏ vô cùng nhạy bén, lém lỉnh, hài hước và cực kỳ thông minh. (Ảnh tác giả cung cấp)

Giao lưu được một lúc thì đến giờ kiểm tra sức khỏe, các bé lũ lượt nối đuôi nhau và xếp thành hai hàng ngay ngắn chỉnh tề đứng ở cửa bungalow đợi xe điện đến đón. Tôi bỗng để ý thấy một điều: các bé đứng đằng sau sẽ bám hai tay lên vai người đứng đằng trước và dẫn đầu là người có thể nhìn thấy đường đi rõ nhất. Tôi chợt tỉnh ngộ, các bé quá đỗi bình thường đến nỗi tôi quên mất rằng người khiếm thị đi đến nơi lạ thì việc dò đường đi sẽ rất khó khăn. Sau khi được xe điện chở đến khu kiểm tra sức khỏe, tôi đưa tay ra để các em bám vào cánh tay tôi tiến vào trong khu nhà. Tôi cảm giác các em e dè và ít nói hơn khi ở nơi đông người, tay nắm chặt, ghì chặt lấy bắp tay tôi làm cho trái tim tôi xót xa vô kể..

Đến trưa, các em được đi ăn buffet nên khá hào hứng và vui vẻ. Tôi dẫn các bé ngồi vào bàn, giữa bàn ăn là hàng loạt các dĩa gồm nhiều món khác nhau được gắp từ quầy buffet cho các bé lựa món dễ dàng hơn. Khi đặt bất kỳ một loại vật dụng gì như khăn giấy, ly nước uống hay món ăn mới trước mặt các bé thì phải nói rằng “chị để ly nước/khăn giấy bên tay trái/phải của em nhé”. Ăn xong chúng tôi rồng rắn nối đuôi nhau trở về, các bé nói ước gì được dạo biển nhỉ, anh T – một hỗ trợ viên khác của nhóm quyết định dẫn các bạn xuống biển hóng mát.

Đến lúc này, tôi và các bé đã thân thiết hơn, các bé hoàn toàn tin tưởng đặt đôi bàn tay bé nhỏ lên hai vai tôi để tôi làm “đầu tàu”, tin tưởng trao cho tôi sứ mệnh được làm đôi mắt của các bé. Cảm giác hạnh phúc đó không gì có thể so sánh được, ngay tại khoảnh khắc ấy, trong lòng tôi tràn ngập sự biết ơn, biết ơn vì được gặp gỡ họ - những con người tuyệt vời nhất. Chính các bé là người đã dạy cho tôi rằng: “Không nhìn thấy gì chưa chắc đã là điều tồi tệ nhất, ngày mà bạn từ bỏ cố gắng, từ bỏ trang sách bạn đang viết dở dang về cuộc đời bạn mới là điều tồi tệ nhất.”

Đến lúc này, tôi và các bé đã thân thiết hơn, các bé hoàn toàn tin tưởng đặt đôi bàn tay bé nhỏ lên hai vai tôi để tôi làm “đầu tàu”. (Ảnh tác giả cung cấp)

 

Tôn Nữ Hạnh Nguyên (Nha Trang)

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/13-chuyen-ve-mot-mua-he-dang-nho-a2253.html