Tôi làm chủ một quán ăn trên con phố chính. Một hôm có một khách hàng quen khi mới bước chân vào quán đã phàn nàn với tôi rằng: ‘Trước quán có một người đàn bà ăn mặc lôi thôi, quán ăn mà có một người như vậy trước cửa thì không hay chút nào’. Tôi liền đi ra ngoài, đúng như lời vị khách đó nói có một bà già loanh quanh ngoài cửa. Trông áo quần bà ta nhàu nát, cũ rích, người thì ốm nhom, tay cầm kéo cắt từng chiếc khẩu trang vứt trong thùng rác.
Tôi nghĩ rằng, có lẽ cho bà ta một ít tiền để bà ta đi cho rồi. Tôi lại gần bà ta và rất lịch sự bảo rằng, chị không thể đứng trước quán tôi nghịch rác bẩn như thế và rằng tôi có thể giúp chị một ít tiền hoặc thức ăn tại quán. Chị ta nhìn lại tôi bằng một ánh mắt rất buồn bã, một ánh mắt như nói với tôi rằng tôi chẳng khác gì bất kỳ ai khác, lạnh lùng và vô cảm. Người đàn bà đứng lặng im, bà nhìn tôi với ánh mắt lạ lùng rồi nói: Tôi không cần tiền bố thí.
Mùa hè nắng như đổ lửa, chẳng ai để ý một người đàn bà trạc 60 tuổi thường lang thang trên con đường biển nhặt rác. Người đàn bà ốm nhom, mặc bộ đồ cũ rích, trên tay cầm một cái bao tời đựng rác, tóc bà đã bạc nhiều, bị gió biển thổi tốc lên càng làm cho khuôn mặt đen thui, gầy gò nhăn nheo trông thật đáng sợ. Bà vừa đi vừa dáo dác nhìn quanh rồi thỉnh thoảng cúi xuống nhặt khẩu trang vứt đi, lấy kéo cắt làm đôi rồi cho vào cái bao tời. Những người gần đó, nhất là những gia đình có con nhỏ thường hay tránh xa bà. Nhiều người còn tỏ ra khó chịu ra mặt khi thấy bà đến gần họ, thậm chí có người còn phát ra những câu thật khó nghe khi yêu cầu bà đi ra chỗ khác, vậy mà bà cứ tỉnh bơ như không cho đến khi họ gắt to lên thì bà mới chịu lùi xa họ. Không biết người đàn bà có nghe thấy gì không giữa tiếng sóng biển rì rầm, bà vẫn lẳng lặng làm công việc nhặt rác của mình.
Một hôm tôi thấy bà ngồi nghỉ một mình trên bờ kè của bãi biển. Mắt bà ấy cứ hướng ra khơi với một nỗi buồn khó diễn tả thành lời. Tôi bước lại từ đằng sau hỏi thăm: “ Bà có cần tôi giúp gì không”. Bà ấy chẳng thèm để ý cho dù tôi đã nhắc lại nhiều lần, cho đến khi tôi đập vào vai thì bà ấy mới chịu quay lại. Trò chuyện một lúc tôi mới phát hiện ra bà ấy có vấn đề về tai nên nghe không được rõ, hèn gì. Tôi đoán quả không sai, bà ấy không phải là người đáng sợ như mọi người vẫn nghĩ. Khi đã cảm thấy tôi không đến nỗi là người xấu nên bà ấy mới trút bầu tâm sự cho nhẹ lòng:
- Có người bảo tôi nhặt khẩu trang vứt đi, gom lại rồi bán cho họ tái chế. Tôi từ chối ngay lập tức, như vậy là tội ác. Để tránh trường hợp người khác nhặt khẩu trang vứt đi để bán, tôi bèn nghĩ ra một cách lấy kéo cắt khẩu trang làm đôi…
Tôi ân hận vì có lần đã nghĩ xấu về người đàn bà mà đáng lý ra cần được tôn trọng. Vậy là từ đó hàng ngày người ta thường nhìn thấy một người đàn bà lặng lẽ đi nhặt khẩu trang rồi cắt làm đôi. Nhiều người không hề hay biết đến công việc thầm lặng của bà, để chấp nhận hình ảnh một bà già không bình thường lang thang nhặt rác, hình như điều đó quá khó với mọi người thì phải. Nhiều người còn thẳng thắng bảo bà là hâm nhưng bà không quan tâm đến lời người đời nói.
Trong cái khung cảnh hỗn độn của phố phường, đã xuất hiện một hình ảnh đẹp mà nếu không tận mắt chứng kiến thì khó có thể tin được nó xuất phát từ một con người có bề ngoài không lấy gì làm thân thiện. …
Thu Hiền (Đà Nẵng)
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/ba-ham-cau-chuyen-lang-tham-day-xuc-dong-ve-ba-cu-nhat-rac-ngoai-bai-bien-a2182.html