Những bí kíp giúp bạn tự tin hơn khi đi du lịch tự túc, phù hợp cho cả người mới bắt đầu

Nếu bạn là một người đam mê du lịch tự túc bằng xe máy thì những bí kíp sau sẽ đảm bảo an toàn cho bạn trên hành trình của mình

Cụm từ “đi phượt” hiện nay khá phổ biến trong giới trẻ, hầu hết các bạn rất ưa chuộng các trải nghiệm tự túc như thế. Một điểm cộng cho phượt bằng xe máy đó là chúng ta có thể tha hồ khám phá và chinh phục những con đường uốn lượn, những ngọn đồi tuyệt đẹp trên hành trình của mình. Nhưng, cái gì cũng có hai mặt, ngoài việc được ngắm cảnh đẹp thì phượt bằng xe máy cũng tiềm ẩn một số rủi ro đối với những người không đủ kinh nghiệm. Vì vậy, để tối thiểu những sự cố đáng tiếc xảy ra, bạn nên lưu ý những điều dưới đây.

Chọn loại xe phù hợp

Xe số là một lựa chọn hàng đầu khi đi phượt (Ảnh minh họa)

Khi đi phượt xa, bạn nên sử dụng những loại xe số thông dụng như: Honda, Future, Wave,… Các loại xe này có ưu điểm là tăng tốc nhanh, khả năng vượt địa hình tốt và không tốn xăng quá nhiều. Đây là yếu tố đầu tiền được các “phượt thủ” quan tâm và đề xuất.

Một điểm cộng nữa đó là tất cả các loại xe này đều dễ sửa chữa, gầm cao hơn xe tay ga, thon gọn, động cơ mạnh, dễ buộc đồ, dễ kiểm soát tốc độ khi xuống dốc hơn hẳn nhiều mẫu xe khác.

Lên kế hoạch chi tiết

Một trong những điều tất yếu của chuyến du lịch đó là việc lên kế hoạch. Đây là chỉ là việc dành cho những người mới đi phượt lần đầu mà kể cả những người có kinh nghiệm lâu năm nữa. Việc lập kế hoạch rõ ràng sẽ giúp chuyến đi của bạn rõ ràng và trơn tru hơn.

Cụ thể, khi lên lịch trình, bạn sẽ tìm hiểu về nơi mình sẽ đi qua, những cung đường đó sẽ như thế nào, địa điểm dừng chân, điểm lưu trú, thời gian bắt đầu, thời tiết sẽ mưa hay là nắng,… Sau đó, hãy lập kế hoạch dự phòng cho những tình huống ngoài ý muốn như hứ xe hoặc thời tiết “không chiều lòng người”.

Kiểm tra, bảo dưỡng xe trước khi xuất phát

Bảo dưỡng xe máy là một phần quan trọng trước khi xuất phát (Ảnh minh họa)

Trước khi xuất phát một ngày, bạn hãy chú ý mang xe đến các trung tâm bảo trì xe máy để kiểm tra. Đặc biệt là lốp xe, thay nhớt, hệ thống đèn pha, xi nhan, bình ắc quy,… nếu có gì trục trặc hãy bảo dưỡng ngay để chuyến đi được diễn ra tốt đẹp.

Ngoài ra, bạn đừng quên thay nhớt cho xe, nhớt được coi là “nước tăng lực” cho người đồng hành của bạn thêm sức mạnh trước những cung đường phượt. Thông thường sau mỗi 2.000 km hoặc tối đa 4.000 km, bạn phải thay nhớt để tránh quá tải cho động cơ.

Mang theo túi đồ nghề sửa xe

Một túi đồ nghề sửa xe nhỏ gọn giúp đề phòng những tình huống không mong muốn (Ảnh minh họa)

Một số dụng cụ và thiết bị bạn nên mang theo như: kìm, bộ vá lốp, săm xe, dụng cụ đa năng, tua vít... để vá và sửa chữa xe, bơm xe trong trường hợp đi đường xe bạn có thể gặp trục trặc bất cứ lúc nào.

Ngoài ra, hãy tự chuẩn bị vòi hút và bình chứa nước 1,5 lít, đề phòng trường hợp phải hút xăng hoặc mua xăng dọc đường.

Mang theo chìa khóa dự phòng

Một tình huống khác cũng hay xảy ra, đó chính là mất chìa khóa. Khi đi, bạn cần chuẩn bị 2 bộ chìa khóa (1 chính, 1 sơ cua) phòng trường hợp bị lạc mất chìa khóa. Tốt nhất hãy để người nào đó kỹ tính giữ hộ chìa khóa nếu đi hai người một xe.

Chấp hành luật giao thông

Không dàn hàng ngang, đội mũ bảo hiểm, tuân thủ luật giao thông (Ảnh minh họa)

Một trong những điều bạn cần lưu ý khi đi phượt đó chính là phải luôn chấp hành luật giao thông. Bạn không nên đi hàng 3, không lạng lách đánh võng, đi đúng làn đường của mình, chạy đúng tốc độ quy định.

Đeo găng tay

Đeo găng tay giúp người lái đỡ mỏi (Ảnh minh họa)

Để giúp bạn tránh nắng tránh mưa, bạn nên chọn một loại găng tay có chất lượng tốt, không quá dày để tránh bị cộm. Lý do khác là găng tay sẽ giúp người lái đỡ mỏi tay hơn, ngay cả người ngồi sau cũng nên chuẩn bị một bộ cho mình, phòng trường hợp người lái quên.

Chọn mũ bảo hiểm chất lượng tốt

Chọn nón bảo hiểm chất lượng tốt để bảo đàm an toàn (Ảnh minh họa)

Để chuyến đi được an toàn nhất, bạn nên chọn loại nón bảo hiểm phù hợp, không nên sử dụng loại nón bảo hiểm thời trang có chất lượng không đảm bảo. Bạn nên dùng loại mũ có kính chắn gió để tránh bụi, đỡ mệt mỏi và có thể yên tâm trong chuyến đi.

Bên cạnh những điều cần lưu ý trên thì bạn cũng nên mang theo dụng cụ y tế và thuốc như: băng gạc, băng ép, thuốc đỏ, băng cá nhân, thuốc đau đầu, hạ sốt, thuốc đau bụng để chủ động được trong nhiều tình huống.

Bom (t/h)

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/nhung-bi-kip-giup-ban-tu-tin-hon-khi-di-du-lich-tu-tuc-phu-hop-cho-ca-nguoi-moi-bat-dau-a2178.html