Nếu còn làm nghề giáo hẳn tôi đã có cuộc sống êm đềm tại quê nhà với một gia đình yên ấm và một công việc quen thuộc hằng ngày bên những học trò nhỏ thân yêu.
Nếu cuộc sống mãi êm đềm hẳn tôi đã quên những điều đã từng ấp ủ một thời khi còn trẻ, làm một điều gì đó nhỏ bé cho xã hội, cho đam mê viết lách của tôi.
…Nhưng có những biến cố cuộc đời khiến tôi phải đổi thay, rẽ sang một ngã khác.
Từ một giáo viên, tôi lại trở thành thu ngân cho một khách sạn kiêm phục vụ bàn và lau dọn… Một nơi cách quê hương tôi tám tiếng đồng hồ đi xe khách.
Lao đầu vào công việc, tôi chỉ mong kiếm từng đồng lương đủ nuôi tôi qua ngày đoạn tháng, không định hướng, không tương lai, không mong chờ và cũng không hy vọng.
Dần dà, cuộc sống cứ trôi chầm chậm ở một thành phố xa lạ, ngay cả người tôi thương yêu nhất cũng bỏ tôi đi.
Nhà của Thời Thanh Xuân là thanh xuân, tuổi trẻ của tôi. Ảnh: Tác giả cung cấp
Với tôi, đó là những ngày kinh khủng nhất, tôi tách biệt với tất cả mọi người để tránh đi những gièm pha của họ, về những ngày tôi đã sai lầm yêu một người đã làm tổn thương tôi.
Cho đến một ngày, khi cô bé đồng nghiệp nói về Đà Lạt, về một cuộc sống mơ ước của bao người, về những dự án xã hội, những con người bỏ thành phố về rừng.
Tôi hỏi: “Vậy tại sao em không bỏ hết tất cả để đến đó, chị đã từng nghe về “Nhà của Thời Thanh Xuân” (*). Ở đó, em có thể góp sức mình ở đó cho những bạn câm điếc, đó là một dự án cộng đồng.”. Cô bé ngập ngừng, còn tôi nhận ra, sau biết bao năm làm theo mong muốn của người khác, đã bao giờ tôi làm điều gì đó cho bản thân mình chưa, tôi bỗng nhớ về ước mơ của tôi ngày trước đã lâu ngày ngỡ đã vùi quên. Tôi quyết định tìm đến Nhà của Thời Thanh Xuân dù người khác cho là điên rồ hay ngốc ngếch.
Hàng đêm tôi vẫn nhớ về nơi ấy - Nhà của Thời Thanh Xuân. Ảnh: Tác giả cung cấp
Tôi vẫn nhớ như in ngày đó, ngày mà bản thân chọn rời bỏ một nơi nghĩ sẽ gắn bó lâu dài để đến Đà Lạt. Khi vén bức rèm nhìn qua cửa kính ô tô đi dọc vùng duyên hải miền Trung, có ánh trăng vằng vặc trên đỉnh đồi chênh vênh và sương sớm trải dài đèo Khánh Lê mới thấy sự liều lĩnh của tôi ngày đó: không người thân, không bạn bè, không một ai quen biết. Chỉ là, sau tất cả tôi muốn một lần được làm theo ý mình, một lần được sống cho đúng nghĩa hoài bão thanh xuân, một lần để không hối tiếc cho những tháng năm sau này.
Tôi đã chọn đến và sống trong Nhà của Thời Thanh Xuân - Nơi mà mọi người cùng nhau chia sẻ, cùng nhau làm việc, cùng chung một chí hướng. Tôi thấy mình may mắn vì mẹ sinh ra đủ đầy: được nói, được nghe, được nhìn vạn vật xung quanh đã là một hạnh phúc.
Nơi đây, cũng có những bạn trẻ bỏ sau lưng cuộc sống phồn hoa nơi phố thị, những công việc đáng mơ ước, một cuộc sống yên ổn và ấm êm chỉ để tìm về một ngôi nhà gỗ nhỏ bé ngay dưới chân đồi, quanh năm mây mờ sương phủ để đóng góp một phần nhỏ bé cho trẻ Điếc (**). Mặc dù, còn nhiều khó khăn, đối với bản thân tôi phải bắt đầu lại từ đầu. Tôi được học biết bao nhiêu điều lý thú: học ngôn ngữ kí hiệu, học làm trà thảo mộc, làm bánh, làm xà bông và học yêu mọi người xung quanh. Tôi hòa nhập cùng các bạn Điếc, sống trong thế giới lặng yên của các bạn và nhận ra điều kì diệu từ đôi tay. Từ đôi tay ấy, cả những bạn Điếc và bạn Nói bước vào thế giới của nhau, hiểu nhau, yêu thương và đồng cảm.
Tôi dần quên những ồn ào ngoài kia, dần quên những ngày lặng yên một mình và tách biệt với mọi người xung quanh, quên đi những người đã từng làm tổn thương tôi. Ngày qua ngày, những chuyện đáng quên tôi mong không còn nhớ đến.
Nếu tôi hạnh phúc, tôi tin các bạn trong Nhà của Thời Thanh Xuân cũng thế. Tôi có thể không trở nên giàu có, không thành ông nọ bà kia hay những người có địa vị. Tôi tìm về những điều đơn giản nhất, biết yêu thương bản thân và biết yêu thương người.
Sống trong thế giới lặng yên của các bạn Điếc và nhận ra điều kì diệu từ đôi tay. Ảnh: Tác giả cung cấp
Tôi gieo những mầm cây chờ ngày đâm chồi, bén rễ. Nhâm nhi tách cà phê vào mỗi sáng, lắng nghe điệu nhạc mà tôi thích. Tôi có thời gian ngắm một nhành hoa, dạo quanh đồi phía sau nhà cùng những người bạn. Tôi trở về với thiên nhiên, cây cỏ, lắng nghe tiếng rừng thông rì rào qua từng cơn gió thoảng, lắng nghe tiếng mưa đầu mùa rơi trên mái nhà, len qua từng tán lá, ngắm nhìn những làn sương mờ vào mỗi buổi sớm mai, ngắm những tia nắng chiều chiếu qua ngọn đồi sau nhà dệt nên màu tuyệt diệu. Mọi thứ trôi qua nhẹ nhàng mà nếu ở ngoài kia sẽ có ngày tôi quên mất.
Tôi bắt đầu viết lách, viết về Nhà, về trẻ Điếc, viết về những điều xung quanh tôi, giản đơn và bình dị, thanh thản và bình tâm. Cuối cùng, tôi đã tìm lại ước mơ một thời ngỡ từng đánh mất, khi tìm lại có lẽ đã rực rỡ hơn.
Mặc dù, bây giờ tôi không còn sống cùng Nhà của Thời Thanh Xuân nữa; nhưng khi nhớ về đó là những năm tháng bình yên, nơi đầu tiên đã cưu mang tôi sau những vết thương quá khứ, nơi cho tôi niềm tin vào cuộc sống về những điều tử tế phi thường và nhỏ bé. Tôi vẫn sống nơi này, dõi theo từng bước trưởng thành của các bạn. Thỉnh thoảng vẫn trở về thăm Nhà, lại được bước vào thế giới lặng yên của các bạn Điếc và vẽ cuộc sống kì diệu từ đôi tay.
Khi nhìn lại những bước đường tôi qua, những đổi thay và lựa chọn, tôi mãi mãi không bao giờ ân hận. Bởi đấy là một phần thanh xuân của tôi!
(*) Nhà của Thời Thanh Xuân là dự án cồng đồng cho trẻ Điếc do anh Võ Thành Luân khởi xướng. Đây là nơi trang bị cho các bạn Điếc những kĩ năng, trải nghiệm về nghề nghiệp cũng như tạo công ăn việc làm cho các bạn.
(**) Tôi gọi các bạn là trẻ Điếc bởi đó là sự tôn trọng của người bình thường đối với các bạn (Người Điếc không thể nghe và nói, để phân biệt với các bạn khiếm thính có thể nghe và nói được chút ít).
Thiên An (Đà Lạt)
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/01-dieu-dieu-ky-tu-doi-tay-a2154.html