Kể từ khi đại dịch coronavirus bắt đầu trở thành tiêu điểm trên khắp thế giới, đã có rất nhiều lời khuyên được đưa ra, đôi khi khá khó hiểu và mâu thuẫn. Ví dụ như việc cần hay không cần thiết đeo mặt nạ, găng tay hay virus có thể lây từ vật nuôi sang người, vv...
Mặc dù đang trở thành nỗi ám ảnh của toàn cầu, nhưng những bí ẩn về Covid-19 vẫn chưa được thông báo một cách chính thức và đầy đủ. Nó chỉ dừng lại ở các cập nhật nhỏ như cần duy trì giãn cách xã hội, rửa tay thật kỹ và cách ly tại nhà nếu bạn bắt đầu có triệu chứng bao gồm sốt cao; ho nhiều; mất hoặc thay đổi khứu giác và vị giác.
Bên cạnh các hướng dẫn được ban hành bởi chính phủ và các tổ chức y tế, những lời đồn đại liên quan đến virus cũng đã được lan truyền, khiến không ít thành viên của cộng đồng khó có thể nhận ra đâu là sự thật từ những lời thêu dệt ấy.
Trên trang web chính thức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã liệt kê một số lời đồn liên quan đến Covid-19, bao gồm cả việc Covid-19 được gây ra như thế nào, sự nguy hiểm của việc nghĩ thuốc tẩy có thể bảo vệ chống lại virus Corona hay thực tế là mạng di động 5G không gây lây truyền Covid-19.
Dưới đây là 11 sự thật lớn nhất về Covid-19 đã được WHO thống kê.
1. Nên đeo khẩu trang khi tập thể dục: SAI
Mặc dù một số người có thể nghĩ rằng nên đeo khẩu trang trong khi tập thể dục ngoài trời hoặc gần người khác, nhưng WHO tuyên bố điều này là không đúng.
Tổ chức này giải thích rằng việc đeo khẩu trang trong khi tập thể dục có thể làm giảm khả năng thở thoải mái, đồng thời có khả năng thúc đẩy sự phát triển của các virus khi mặt nạ bị ướt do mồ hôi.
Theo WHO biện pháp phòng ngừa quan trọng trong khi tập thể dục là duy trì khoảng cách ít nhất một mét đối với những người khác.
2. Sử dụng khẩu trang y tế kéo dài có thể gây thiếu oxy: SAI
WHO bác bỏ mạnh mẽ quan niệm rằng việc sử dụng khẩu trang y tế kéo dài có thể gây nhiễm độc carbon dioxide hoặc thiếu oxy.
WHO nói rằng: "Khi đeo khẩu trang y tế, mọi người nên đảm bảo nó vừa vặn và đủ chặt để cho phép bạn thở bình thường. Nếu bạn đang sử dụng khẩu trang dùng một lần, bạn không được sử dụng lại và nên thay đổi khẩu trang nếu nó đang bị ẩm".
3. Thêm hạt tiêu vào thức ăn có thể giúp ngăn ngừa nhiễm Covid-19: SAI
WHO tuyên bố việc đưa hạt tiêu vào các bữa ăn không thể giúp ngăn ngừa nhiễm coronavirus, cũng không thể sử dụng nó như một phương pháp điều trị khi bắt đầu biểu hiện các triệu chứng.
WHO giải thích thêm rằng việc sử dụng hạt tiêu là lợi ích cho sức khỏe nói chung để duy trì chế độ ăn uống cân bằng, bên cạnh việc uống nước, tập thể dục và có thói quen ngủ đủ giấc.
4. Uống rượu sẽ không bảo vệ bạn khỏi virus: ĐÚNG
WHO đã cảnh báo không được sử dụng rượu với niềm tin rằng làm như vậy sẽ giúp chống lại virus coronavirus - đó là một sai lầm.
"Rượu không bảo vệ bạn khỏi Covid-19 và thêm vào đó có thể gây nguy hiểm. Việc sử dụng rượu gây hại làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm khác".
Vào tháng 3, một chuyên gia của WHO đã cảnh báo rằng rượu là một chiến lược đối phó không hữu ích để ngăn chặn coronavirus, việc sử dụng các chất như vậy để đối phó có thể làm cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
5. Máy đo nhiệt độ có thể phát hiện coronavirus: SAI
WHO nói rằng máy đo nhiệt độ hiện đang được sử dụng ở những nơi công cộng như sân bay và cửa hàng để kiểm tra nhiệt độ cơ thể của mọi người trong cộng đồng. Những thiết bị này không thể được sử dụng để phát hiện xem một người có nhiễm Covid-19 hay không - nếu chỉ dựa vào dấu hiệu họ bị sốt.
6. Hiện tại chưa có thuốc được cấp phép để điều trị hoặc phòng ngừa Covid-19: ĐÚNG
WHO nói rằng hiện nay đang có một số loại thuốc được thử nghiệm nhưng chưa có thuốc được cấp phép để điều trị hoặc phòng ngừa Covid-19.
Theo Tổ chức Y tế thế giới hiện tại không có bằng chứng nào cho thấy hydroxychloroquine hoặc bất kỳ loại thuốc nào khác có thể chữa khỏi hoặc ngăn chặn Covid-19. WHO cũng cảnh báo rằng việc "sử dụng sai" thuốc "có thể gây ra tác dụng phụ và bệnh nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong.
Cũng không có thuốc đặc hiệu nào được khuyến nghị sử dụng để ngăn ngừa hoặc điều trị coronavirus mới này; đối với những người cần điều trị nên được điều trị để làm giảm các triệu chứng và được chăm sóc thích hợp.
Mặc dù kháng sinh không có tác dụng điều trị Covid-19, nhưng nếu bệnh nhân bị nhiễm khuẩn sau khi bị nhiễm vi-rút thì có thể nên dùng kháng sinh để điều trị nhiễm khuẩn đó.
Cơ quan y tế quốc gia khuyên rằng nếu bạn có nhiệt độ cao, bạn nên uống nhiều nước, nghỉ ngơi và uống paracetamol hoặc ibuprofen nếu bạn cảm thấy khó chịu.
Nếu bạn cảm thấy khó thở, cơ quan y tế quốc gia khuyên bạn nên cố gắng làm mát căn phòng của mình bằng cách mở cửa sổ, áp dụng các bài tập thở và ngồi thẳng.
Cơ quan y tế quốc gia khuyên rằng khó thở có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng coronavirus nghiêm trọng hơn. "Nếu bạn cảm thấy khó thở và tình trạng mỗi lúc một tồi tệ hơn, hãy gọi điện đến những đường dây chăm sóc sức khỏe trực tuyến để nhận lời khuyên và hướng dẫn cần thiết".
7. Thuốc khử trùng rất nguy hiểm và không thể được sử dụng để bảo vệ chống lại virus corona: ĐÚNG
Hồi tháng 4, có thông tin rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề nghị tiêm thuốc khử trùng để chống lại Covid-19.
WHO tuyên bố rõ ràng rằng phun xịt và đưa chất tẩy hoặc chất khử trùng khác vào cơ thể bạn sẽ không bảo vệ bạn trước Covid-19 và có thể gây nguy hiểm.
WHO cảnh báo "không được sử dụng thuốc tẩy hay bất kỳ chất khử trùng nào khác trong bất kỳ trường hợp nào để đưa vào cơ thể của bạn. Những chất này có thể gây độc nếu nuốt phải và gây kích ứng và tổn thương cho da và mắt của bạn. Chúng chỉ nên sử dụng chỉ để làm sạch một bề mặt nào đó".
8. Việc sử dụng mạng 5G làm tăng nguy cơ nhiễm coronavirus: SAI
WHO mạnh mẽ xua tan quan niệm rằng việc sử dụng mạng 5G làm tăng nguy cơ nhiễm coronavirus. Virus không thể di chuyển trên sóng radio/mạng di động. Dịch Covid-19 đang lan rộng ở nhiều quốc gia mà không có mạng di động 5G.
Coronavirus lây lan qua các giọt hô hấp khi người nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc nói. Mọi người cũng có thể bị nhiễm bệnh khi chạm vào bề mặt nào đó có giọt bắn của người bệnh và sau đó chạm tay lên mắt, miệng hoặc mũi.
Vào tháng 4, Ofcom đã chỉ ra rằng thuyết âm mưu 5G đã trở thành câu chuyện tin tức giả phổ biến nhất liên quan đến đại dịch.
9. Nhiệt độ cao hơn và ánh nắng mặt trời giúp chống lại Covid-19: SAI
Trong suốt đợt bùng phát Covid-19, một số người đã tin rằng ý tưởng rằng ở nơi có khí hậu ấm hơn sẽ giúp bảo vệ chống lại coronavirus.
Tuy nhiên theo WHO điều này là không đúng vì "bạn có thể nhiễm Covid-19 bất kể thời tiết nắng hay nóng như thế nào".
WHO cho biết thêm: "Không có lý do gì để tin rằng thời tiết nóng ấm có thể giết chết coronavirus mới hoặc các bệnh khác. Nhiệt độ cơ thể người bình thường vẫn ở mức khoảng 36,5° C đến 37° C, bất kể nhiệt độ bên ngoài hay thời tiết thế nào".
Vào tháng 5, các nhà khoa học đã đề xuất trong một nghiên cứu rằng nhiệt độ có rất ít hoặc không ảnh hưởng đến sự lây lan của Covid-19.
10. Những người xét nghiệm dương tính với coronavirus có thể mang nó trong suốt quãng đời còn lại: SAI
WHO tuyên bố xét nghiệm dương tính với coronavirus không có nghĩa là bạn sẽ bị nhiễm bệnh suốt đời.
"Hầu hết những người nhiễm Covid-19 đều có thể phục hồi và đào thải virus này khỏi cơ thể của họ".
11. Mọi lứa tuổi đều có thể dương tính với coronavirus: ĐÚNG
WHO nhấn mạnh rằng dù mọi người tin rằng trẻ em ít bị nhiễm coronavirus hơn và có khả năng bị nhiễm nhẹ hơn, nhưng virus này có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi".
Một số nhóm người, bao gồm những người lớn tuổi và những người có bệnh nền như hen suyễn, tiểu đường và bệnh tim, được coi là đặc biệt dễ lây nhiễm và gặp nguy hiểm trong bối cảnh dịch Covid-19.
Chính phủ Anh tuyên bố rằng những người có bệnh nền "cực kỳ dễ bị lây nhiễm và gặp nguy hiểm", họ được khuyên nên ở nhà càng nhiều càng tốt để phòng tránh nhiễm Covid-19.
(Nguồn ảnh: Internet)
*Nhan đề bài viết đã được songkhoeplus.vn thay đổi
Theo GĐ & XH
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/who-thuc-hu-nhung-loi-don-dai-gay-hoang-mang-du-luan-ve-noi-am-anh-kinh-hoang-cua-covid-19-a2113.html