Viêm túi mật gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng với người cao tuổi cần cảnh giác hơn, theo các thống kê, tuổi cao là một trong các yếu tố thuận lợi của bệnh viêm túi mật, hơn nữa viêm túi mật có thể gây biến chứng nguy hiểm.
Viêm túi mật chủ yếu do sỏi túi mật gây tắc nghẽn và do viêm nhiễm. Viêm túi mật do sỏi chiếm đa số (khoảng trên 90%). Khi sỏi di chuyển, cọ xát làm tổn thương thành túi mật hoặc gây tắc nghẽn các ống dẫn mật, khiến dịch mật bị ứ lại trong túi mật hoặc làm cho các hoạt chất hoặc vi khuẩn có trong dịch mật bị tích tụ có thể làm túi mật bị viêm. Nhiễm trùng túi mật do vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc virus gây ra. Các loại vi khuẩn gây viêm túi mật chủ yếu là vi khuẩn đường ruột hoặc là tự chúng đi ngược dòng lên đường dẫn mật qua lỗ mật đổ vào tá tràng hoặc vi khuẩn đi theo giun mỗi khi chúng chui lên ống mật hoặc do vi khuẩn theo đường máu, bạch huyết đi tới đường dẫn mật, túi mật gây viêm. Viêm túi mật còn có thể do u chèn ép đường dẫn mật từ bên ngoài đè vào hoặc trong lòng ống dẫn mật. Sự chèn ép này làm ứ đọng dòng chảy của mật rất dễ nhiễm trùng. Ngoài ra, viêm túi mật ở người cao tuổi còn có thể do chế độ ăn giàu chất béo sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm túi mật.
Viêm túi mật gây nhiều biến chứng.
Cách phát hiện
Khi túi mật bị viêm, các biểu hiện điển hình thường thấy là đau vùng hạ sườn phải xuyên ra sau lưng hay lên vai phải, hoặc đôi khi đau vùng thượng vị (dễ nhầm với cơn đau dạ dày - tá tràng). Trong lúc đau, nếu ăn hay uống, triệu chứng đau sẽ tăng lên do đường mật bị kích thích nhiều.
Sốt xuất hiện sau các cơn đau khoảng từ 6-12 giờ, đôi khi sớm hơn kèm theo rét run và vã mồ hôi, sau đó nhiệt độ cơ thể trở lại bình thường hoặc hơi tăng. Sau cơn đau và sốt là vàng da, vàng mắt, lưỡi, lòng bàn tay, bàn chân. Vàng da nhiều hay ít tùy thuộc vào mức độ tắc nghẽn dịch mật. Đây là 3 triệu chứng rất điển hình trong bệnh viêm túi mật, gọi là tam chứng Charot. Tuy vậy, ở người cao tuổi do phản xạ yếu ớt cho nên có thể triệu chứng đau và sốt có thể không rõ ràng.
Người bệnh có thể có các dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa (chán ăn, buồn nôn hoặc nôn)...
Để chắc chắn, cần xét nghiệm máu bạch cầu tăng, bilirubin tăng) siêu âm gan mật sẽ thấy túi mật to, có thể, qua siêu âm có thể thấy được hình ảnh sỏi, xác của giun nằm trong ống mật hoặc túi mật.
Gây biến chứng gì?
Viêm túi mật có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:
Túi mật căng to: Nếu bị viêm túi mật do sự tích tụ mật, nó có thể căng ra và sưng lên vượt quá kích thước bình thường của nó, có thể gây ra đau và làm tăng nguy cơ thủng túi mật cũng như nhiễm khuẩn và hoại tử túi mật.
Nhiễm khuẩn: Nếu mật tích tụ trong túi mật gây viêm túi mật, làm tăng nguy cơ chảy máu vào túi mật và có thể làm lây nhiễm lan rộng vào máu hoặc đến các bộ phận khác của cơ thể.
Hoại tử: Nếu không điều trị viêm túi mật có thể gây ra chết các mô trong túi mật, do đó, có thể dẫn đến thủng túi mật hoặc nó có thể gây ra vỡ túi mật.
Thủng: Thủng túi mật có thể xảy ra do túi mật căng to hoặc hoại tử như là kết quả của viêm túi mật.
Lời khuyên của thầy thuốc
Tùy thuộc vào tình trạng của bệnh mà các bác sĩ sẽ có hướng điều trị cụ thể. Vì vậy, khi nghi ngờ cần tới cơ sở y tế để được khám và điều trị. Để phòng viêm túi mật, cần có chế độ ăn uống hợp lý như: hàng ngày chỉ nên ăn một lần thịt trắng, không ăn thịt đỏ, không ăn mỡ, lòng động vật. Đạm thực vật (đậu, đỗ) nên ăn dưới dạng nghiền nát, ninh nhừ. Đối với người cao tuổi không nên bỏ bữa. Cần tập thể dục đều đặn, nếu béo phì hoặc tăng cân cần giảm một cách từ từ. Nên khám bệnh định kỳ và tẩy giun theo chỉ dẫn của bác sĩ khám bệnh.
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/viem-tui-mat-va-nhung-nguy-bien-a1664.html