Kỳ diệu công dụng chữa bệnh của các loại hoa trong vườn nhà

Từ xa xưa, con người ta đã biết sử dụng hoa để làm thức ăn, làm thuốc chữa bệnh. Những loại hoa bình dị, rất đỗi quen thuộc trong đời sống mà lại có những tác dụng diệu kỳ với sức khoẻ.

Những loài hoa trong vườn nhà không những làm đẹp cho khu vườn của bạn, mà bên cạnh đó chúng còn có rất nhiều tác dụng trong điều trị và chữa bệnh. Theo Đông Y, những loài hoa như: Hoa hồng, hoa đu đủ, hoa nhài, hoa cúc, hoa cúc... có rất nhiều tác dụng và được áp dụng trong nhiều bài thuốc để chữa bệnh. 

Hoa Hồng

Hoa hồng được tôn là sứ giả của tình yêu nhờ vẻ đẹp thanh tú. Hoa có nhiều cánh, nhiều màu sắc như trắng, hồng, đỏ, vàng, hương thơm dịu và kín đáo. Trong nó chứa nhiều tinh dầu và đây là thành phần chữa bệnh chủ yếu. Nó có tác dụng hỗ trợ kích thích và điều hoà hệ thần kinh, gia tăng hoạt động của các tuyến nội tiết, loại bỏ rối loạn phức tạp trong các cơ quan nội tạng và tái tạo tế bào. Theo Đông y, hoa có vị ngọt, mùi thơm ngát, tính bình, có công dụng chữa trị các chứng bệnh: ho ra máu, tiểu tiện, lỵ…

Hoa-trong-vuon-nha-lam-thuoc

Bài thuốc chữa bệnh từ hoa hồng

Chữa ho cho trẻ nhỏ: Lấy cánh hoa hồng trắng tươi trộn với nước quất và 1/2 thìa nhỏ mật ong đem chưng cách thuỷ cho trẻ uống.

Chữa hôi miệng: Hoa hồng 5g, hãm nước sôi để nguội ngậm, súc, rồi nhổ. Hoặc rửa sạch 5g hoa nhai ngậm rồi nhổ.

Chữa viêm sưng tuyến vú: Hoa hồng 7 bông, đinh hương 7 nụ, cho cả 2 vào nồi cùng một lượng rượu vừa đủ. Nấu lên rồi uống nước, bỏ cái. uống lúc no.

Kinh nguyệt không đều: Hoa hồng 5g, hoa quế 3g, rượu 50ml. Chưng cách thuỷ hay hấp cơm, để nguội uống.

Hoa nhài

Theo y học cổ truyền, hoa và lá nhài có vị cay và ngọt, tính mát; có tác dụng trấn thống, thanh nhiệt, giải biểu, lợi thấp. Có công dụng trị ngoại cảm phát sốt, đau bụng, mụn nhọt độc. Hoa sắc nước dùng rửa mặt, chữa viêm màng khóe mắt và màng mộng, trẻ lên sởi có sốt, sởi mọc không đều, lá dùng trị bạch đới.

Hoa-trong-vuon-nha-lam-thuoc

Bài thuốc chữa bệnh từ hoa nhài

Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp: Hoa nhài 10g, hoa hòe 10g, kim cúc 6g, hoa đại 6g. Sắc với ba bát nước còn một bát, chia uống hai lần trong ngày, vào sáng và tối sau ăn, mỗi liệu trình 10 ngày.

Nhức mỏi, đau đầu gối: Hoa nhài 50g, móng giò lợn 200g. Cách chế biến: Móng giò lợn rửa sạch, chặt khúc, ướp gia vị, hoa nhài rửa sạch để ráo. Cho 3 bát nước đun sôi móng giò khoảng 30 phút, cho hoa vào, nêm gia vị vừa đủ bắc ra ngay. Ăn khi canh còn nóng, có thể dùng làm canh ăn với cơm, mỗi tuần ăn khoảng 3 – 5 lần.

Chữa mất ngủ: Hoa nhài 10g, Bồ công anh 20g, Kim ngân hoa 20g, Cam thảo đất 10g, ngày uống một thang chia 2 – 3 lần, liên tục trong 7 ngày. Hoặc hoa nhài 6g, tâm sen 8g, hãm với nước sôi dùng thay nước, liên tục từ 7 – 10 ngày sẽ thấy kết quả rõ rệt.

Hoa cúc

Có rất nhiều loại cúc bao gồm cúc bách nhật, bạch cúc, kim cúc, cúc móc, cúc vạn thọ. Theo y học cổ truyền, mỗi loại có chứa những thành phần và tác dụng khác nhau

Cúc bách nhật vị ngọt hơi chát, tính bình, tác dụng khử đờm, bình suyễn, tiêu viêm, giảm ho, dùng chữa hen suyễn, viêm phế quản cấp hay mạn tính, ho gà, lao phổi, ho ra máu, đau mắt, đau đầu, hạ sốt cho trẻ nhỏ.

Bạch cúc vị ngọt, hơi đắng, tính hàn, tác dụng tán phong thanh nhiệt, mát gan, sáng mắt, chữa phong.

Kim cúc vị đắng, cay, tính hơi ôn, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chữa mụn nhọt sưng đau, đau mắt đỏ có sưng, đau đầu, chóng mặt, chữa cảm lạnh, cúm, viêm não nhẹ, viêm mũi, viêm da mủ, hoa mắt, cao huyết áp, viêm gan, kiết lỵ, chảy nước mắt nhiều…

Cúc vạn thọ vị đắng, mùi thơm, tính mát, tác dụng tiêu viêm, làm long đờm, trị ho. Lá hoa hỗ trợ giúp mát gan, phổi, giải nhiệt, chữa đau mắt, ho gà, viêm phế quản, viêm loét miệng, viêm hầu, đau răng. Có thể dùng đắp ngoài đê trị viêm tuyến mang tai, viêm tuyến vú, viêm da mủ.

Hoa-trong-vuon-nha-lam-thuoc

Bài thuốc chữa bệnh từ hoa cúc

Hen suyễn: Cúc bách nhật, tỳ bà diệp (lá nhót), bảy lá một hoa mỗi vị 6g, quả nhót 10g. Ngày uống một thang chia 3 lần, mỗi lần 60ml nước thuốc sắc. Dùng 3 ngày liền.

Trẻ em khóc đêm: Cúc bách nhật 5g, xác ve sầu 3g, cức hoa 2g. ngày uống một thang chia 3 lần, mỗi lần 300ml, uống 3 ngày.

Cao huyết áp: Bạch cúc 10g, hoa hoè 8g, lạc nhân 3g. Ngày uống một thang chia 3 lần trong 10 ngày liên tục.

Hoa mắt chóng mặt: Bạch cúc, hoa thiên lý mỗi vị 10g, ngải cứu 12g, rau má, lá đinh lăng mỗi vị 8g. Ngày uống một thang chia 3 lần, liên tục trong 5 ngày.

Đau đầu: Bạch cúc 9g, hoa nhài 3g, rau má 10g, cúc bách nhật 5g. Ngày uống một thang chia 3 lần, uống liền 3 – 5 ngày.

Cảm mạo phong nhiệt: Kim cúc 20g, củ sắn dây 15g, lá dâu tằm 10g, rễ cây lau 8g, bạc hà, Cam thảo mỗi vị 5g. Ngày uống một thang chia 3 lần.

Đinh nhọt: Kim cúc, Bồ công anh mỗi vị 30g, Tử hoa địa linh 20g, kim ngân 6g. Ngày uống một thang chia 3 lần vào lúc đói, liên tục trong 3 ngày.

Đau răng: Cúc vạn thọ 5 bông, lá nhãn 5 lá, muối ăn khoảng 15 hạt. Rửa sạch giã nhỏ chia 3 phần đều nhau, mỗi lần đặt một phần thuốc vào nơi răng đau. Còn hai phần ngậm thay đổi mỗi lần một phần.

Hoa đu đủ

Hoa-trong-vuon-nha-lam-thuoc

Hoa đu đủ đực là một loại dược liệu khá quý hiếm với nhiều công dụng đặc biệt. Chiết xuất đặc biệt từ hoa đu đủ đực giúp hỗ trợ phòng ngừa Ung thư, giảm thiểu u bướu, kích thích tiêu hóa, góp phần xây dựng một cơ thể khỏe mạnh.  Trong 100g đu đủ, các nhà khoa học tìm thấy khoảng lượng lớn vitamin C, caroten, vitamin B1 và các loại khoáng chất. Lá đu đủ, thân đu đủ đều có thể làm trà, làm thuốc tùy theo mục đích sử dụng

Viêm phế quản cấp: Dùng hoa đu đủ đực phơi khô 20g, hấp với đường phèn 50g, ăn lúc còn ấm.

Chữa ho do viêm họng: Hoa đu đủ đực 15g, xạ can 10g, củ mạch môn 10g, lá húng chanh 10g. Tất cả cho vào một bát nhỏ, thêm ít muối, hấp cơm rồi nghiền nát. Ngày ngậm 2 – 3 lần, nuốt nước dần dần, dùng từ 3 – 5 ngày.

Chữa ho kèm theo mất tiếng: Hoa đu đủ đực 15g, lá hẹ 15g, hạt chanh 10g. Tất cả để tươi, nghiền nát rồi hòa với 20ml nước, thêm ít mật ong hoặc đường kính trộn đều, uống làm 3 lần trong ngày. Dùng trong 3 – 5 ngày.

Ho gà: Hoa đu đủ đực 20g (sao vàng), vỏ quýt lâu năm 20g, vỏ rễ dâu 20g (tẩm mật sao lên), củ bách bộ 12g (phơi khô), phèn phi 12g. Tất cả tán nhỏ, rây bột mịn, ngày uống 3 lần. Trẻ em 1 – 5 tuổi mỗi lần uống 1- 4g; trẻ 6 – 10 tuổi mỗi lần uống 5 – 8g. Hoặc Hoa đu đủ đực, nghệ vàng mỗi thứ 15; trần bì 20g (tẩm nước gừng sao lên), vỏ rễ dâu (tẩm mật rồi sao), vỏ cây khế (sao vàng), chua me đất hoa vàng, cam thảo đất, lá chanh non mỗi thứ 30g; rau má, lá lốt mỗi thứ 40g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày. Dùng trong 5 – 7 ngày.

Hoa khế 

Hoa-trong-vuon-nha-lam-thuoc

Theo Đông y, hoa khế có vị chua, đắng, tính mát, thanh nhiệt, tiêu viêm, lợi tiểu, dùng để trị ho, tiêu đờm. Tuy nhiên, hoạt tính trong bông khế, y học hiện đại chưa có nghiên cứu chứng minh về công dụng của nó. Vì thế với các chứng ho nhẹ do viêm họng, cảm cúm có thể áp dụng mẹo này trong vòng 3 – 5 ngày có thể hiệu nghiệm đối với một số cơ địa phù hợp.

Bài thuốc trị ho kết hợp hoa đu đủ đực, hoa khế, lá tía tô mỗi thứ 10g, đường phèn 5g. Tất cả cho vào bát sứ, cho một ít nước lọc, đun cách thủy, để sôi nhỏ lửa càng lâu càng tốt. Để nguội hoặc cho vào chai thủy tinh không cho vào chai nhựa, không để vào tủ lạnh. Hằng ngày, cho bé uống 1/2 thìa cà phê, uống bằng cách thấm dần ở đầu lưỡi, từ ít đến nhiều. Khi cho trẻ uống thuốc, bế trẻ sao cho đầu và cổ hơi cao so với bụng để tránh sặc, trớ, nôn.

Viêm phế quản cấp tính: Dùng hoa khế tươi 30g, gừng (sao) 10g, nấu với 200ml nước sôi 5 phút, để uống lúc còn ấm.

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/ky-dieu-cong-dung-chua-benh-cua-cac-loai-hoa-trong-vuon-nha-a1129.html