Thành thị và nông thôn - Những gam màu chân thực!

Ở tập truyện ngắn “Đoản khúc chiều phù dung” là cuộc sống con người nơi đô thị phồn hoa và cả ở vùng quê hẻo lánh với những phức tạp, đa chiều vốn có của nó. Ở đó là những mất mát, hoài nghi, lạc loài, hoang hoải, vỡ mộng; là nỗi dằn vặt đau đớn của kiếp người, là những nghịch lí trong cuộc sống...

 

Đoản khúc chiều phù dung là tập sách thứ 5 của nhà văn Vũ Văn Song Toàn. Tập sách cho thấy sự già dặn, chững chạc của anh được thể hiện rõ nét. 16 truyện trong tập Đoản khúc chiều phù dung là bức tranh đời sống đa diện, đa chiều của con người thời hiện đại. Có thể nói mỗi thân phận nhân vật trong sáng tác của Vũ Văn Song Toàn là một mảnh ghép của một cuộc đời, là một lát cắt của cuộc sống. Tuy không có tính toàn diện, điển hình và mang tính biểu trưng, nhưng hầu hết đấy là những mảnh ghép có thực ở ngoài đời.

Tất cả những gì mà nhà văn Vũ Văn Song Toàn đề cập tới trong tác phẩm không phải là những đề tài mới. Tuy nhiên, bằng năng khiếu, sự nhạy bén cộng với vốn văn hóa, hiểu biết sâu sắc trên nhiều lĩnh vực, anh đã đem đến cho độc giả cái nhìn đầy đủ hơn, hoàn thiện hơn, đúng đắn hơn về thực tế xã hội hiện thời.

Nền kinh tế thị trường, văn minh công nghiệp mở ra, bên cạnh những điều tốt đẹp thì cũng không ít những điều không hay, không tốt len lỏi vào từng ngõ ngách đời sống. Lối sống thực dụng, rồi biết bao hệ lụy từ thời công nghệ 4.0 như một cơn gió lốc tràn vào từng ngóc ngách của cuộc sống. Con người đôi lúc trở nên bơ vơ, lạc lõng, tính ích kỉ, lòng tham, tình người có vẻ như nhạt nhẽo...

Những vấn đề được đề cập xuyên suốt trong toàn tập truyện ngắn Đoản khúc chiều phù dung là cuộc sống con người nơi đô thị phồn hoa và cả ở vùng quê hẻo lánh với những phức tạp, đa chiều vốn có của nó. Ở đó là những mất mát, hoài nghi, lạc loài, hoang hoải, vỡ mộng; là nỗi dằn vặt đau đớn của kiếp người, là những nghịch lí trong cuộc sống... Để rồi, ta thấy hiện diện hình ảnh con người cô đơn với những bi kịch tinh thần, bi kịch khát vọng làm giàu, khát vọng hạnh phúc bị vỡ tan, con người với sự tác động của hoàn cảnh tạo nên chấn động tinh thần và những tổn thương sâu sắc.

Điều đặc biệt và dễ nhận thấy trong sáng tác của nhà văn trẻ Vũ Văn Song Toàn tư tưởng xuyên suốt, rõ ràng nhất vẫn là lý tưởng và khát khao về một cuộc sống bình yên, ở đó con người ta có thể chung sống hoà bình, không tranh chấp hay thù hận nhau.

Trong nghệ thuật nói chung và tác phẩm văn chương nói riêng, dù khai thác ở đề tài nào thì cái đích cuối cùng vẫn nói về cuộc sống và con người, hướng về cái nhân văn nhân ái. Bằng tài năng và sự nhạy cảm của từng nhà văn mà họ có sự phản ánh, cắt nghĩa, thể hiện ở những góc độ khác nhau để làm rõ những sự thật, mặt trái, góc khuất của cuộc sống và con người. Ở Đoản khúc chiều phù dung, người đọc nhận ra khá nhiều điều đang tồn tại, đang hiện hữu quanh mình. Biết bao buồn vui, trăn trở về giá trị sống, về giá trị con người được đặt ra. Với con mắt tinh đời, trái tim nhạy cảm, Vũ Văn Song Toàn luôn trăn trở, tìm cách lí giải về những thân phận người trong xã hội đương đạị.

Nhìn chung, nhà văn trẻ này đã nói lên được nhiều chiều kích nội tâm cũng như số phận của nhân vật. Qua đó làm rõ bản chất thật của cuộc sống và con người đương đại với những bộn bề, phức tạp. Ván bài là một câu chuyện hay, nhà văn đã cho người đọc thấy rõ hành trình, bí kiếp, mánh khóe của các quan lúc đương nhiệm và cả lúc về vườn. Cách đối xử lúc đương chức và khi về hưu, phe cánh, ê kíp, cũng như lối ăn chơi của các quan... Lúc còn làm quan thì nhiều kẻ cung phụng, nịnh hót nhưng đến lúc rời chốn quan trường thì mấy ai nhòm ngó và trung thành nữa?

Nhà văn sử dụng cùng lúc nhiều phương thức khác nhau để biểu hiện tâm lí của nhân vật như độc thoại nội tâm, đối thoại, dùng ngôn ngữ trực tiếp của người kể chuyện…làm cho những dòng tâm trạng, cảm xúc, suy tư, trăn trở trong nội tâm nhân vật hiện lên một cách sắc nét và sinh động. Cuộc trò chuyện giữa vị tu sĩ và người khách phương xa (người đàn ông hay cúng dường cho tu viện) cùng với những phương thức biểu đạt trong truyện Viên sapphire không hoàn hảo đã đặt ra nhiều những câu hỏi và cả sự dằn vặt khôn nguôi. Nhà văn để cho nhân vật của mình vào dòng xoáy cuộc đời, vào những biến cố của xã hội để từ đó có những thay đổi theo sự thăng trầm, đảo điên của xã hội mà chính họ là những nhân chứng. Cuộc gặp tình cờ tại chùa Vàng giữa người khách và vị tu sĩ lại mở ra nhiều điều thú vị cho người đọc.

“Thật chả biết do nhân duyên hay nghiệp chướng, tu sĩ và vị khách từng là đồng nghiệp, cũng là đối thủ trên thương trường. Cơn bão tài chính đi qua càn quét thay đổi thân phận giàu nghèo... Cả tu sĩ và vị khách đã cùng tham gia thị trường, có lúc đã có hàng triệu Mỹ kim trong tay. Nhưng ở đời tham thì thâm. Vị khách là một con cá mập, dùng nhiều thủ thuật đẩy giá chứng khoán. Tu sĩ xưa kia cũng là một tay thợ lái sành sỏi, một tay nắm giữ một quỹ đầu tư với giá trị mấy trăm tỷ, trong đó có cả tiền bạc của gia đình và bạn bè. Nhưng cuối cùng không biết do ai che mắt hay do lòng tham, hay do cơn bão tài chính, anh đã đầu tư quá nhiều vào chứng khoán công ty của vị khách. Từng là blue chip trên thị trường, sau một tháng thành một mớ giấy lộn không đáng một đồng xu”.

…Vì công việc làm ăn thất bại thê thảm nên “anh” phải chọn con đường đi tu. Sau mấy năm vào chùa tu tập, từ một người nặng hơn chín mươi ký giờ đây gầy guộc vận tam đoạn y màu vàng, gương mặt góc cạnh, ánh mắt thoát tục. Vì thế khách không nhận ra vị tu sĩ đã từng là bạn, dù có mấy lần khách hỏi về quê hương bản quán của tu sĩ. Điều đặc biệt tác giả đã khéo tạo ra tình huống và nhấn mạnh rằng: Lần trước khách cúng dường rất hậu, vì ông muốn thỉnh một vật của tu sĩ (đó là chuỗi hạt đang đeo ở tay của vị tu sĩ). Mà đó là di vật của sư phụ anh để lại sau khi viên tịch. Một cuộc đấu tranh nội tâm lại diễn ra, với sự thấm nhuần triết lý nhà Phật, cuối cùng vị tu sĩ đã tặng chuỗi hạt cho người khách sang trọng kia. Nhưng diễn biến tâm lý và hàng loạt các hành động của vị khách kia ta mới thấy lòng tham, sự sân si của con người là vô hạn...

Thế giới nhân vật trong truyện ngắn của Vũ Văn Song Toàn khá phong phú, đa dạng. Đó có thể là người lao động nghèo, doanh nhân, tu sĩ, giáo viên, thẩm phán, người đi buôn, người nhặt ve chai... thậm chí có khi là người vô danh. Tất cả được thể hiện qua số phận từng nhân vật cụ thể trong những bối cảnh không - thời gian rõ ràng. Nhà văn hướng ngòi bút vào thế giới nội tâm bằng nhiều cách khai thác và tiếp cận khác nhau, để khám phá những cung bậc tình cảm con người. Biết bao vui buồn của đời sống lần lượt được nhà văn tái hiện trên từng trang sách. Người đọc nhận rõ tính cách và lòng tham của con người thông qua nhân vật người khách trong Viên sapphire không hoàn hảo.

Hay câu chuyện tình yêu giữa Hân và Lâm. Một cuộc tình đẹp nhưng trải qua nhiều những trắc trở. Và rồi cuối cùng họ cũng không thể thành vợ thành chồng, không thể sống hạnh phúc vì tai nạn bất ngờ của Lâm (Người vô danh). Nỗi lo âu, sự thất vọng của đôi vợ chồng trẻ có đứa con bị bệnh tự kỉ trong truyện Đoản khúc chiều phù dung... Còn rất nhiều, rất nhiều những nỗi buồn, sự éo le với những phận người đầy bi kịch trong các truyện còn lại của tập sách.

Nhìn chung, tập truyện ngắn Đoản khúc chiều phù dung của Vũ Văn Song Toàn không có nhiều sự đổi mới về nghệ thuật tự sự nhưng lôi cuốn độc giả là nhờ ở cái nhìn hiện thực sắc sảo, ở cách xử lí hiện thực theo tinh thần nhân bản, lấy số phận cá nhân làm điểm soi chiếu dựa trên tình yêu thương – đó là vấn đề cốt lõi và kim chỉ nam cho mọi hành động để hướng đến những gì nhân văn, nhân ái nhất có thể. Nhà văn hướng ngòi bút vào thế giới nội tâm bằng nhiều cách khai thác và tiếp cận khác nhau, để khám phá những cung bậc tình cảm con người.

Trong Đoản khúc chiều phù dung, Vũ Văn Song Toàn đã để cho nhân vật của mình sống trong dằn vặt, suy tư, khao khát, mơ ước, hoài vọng, rồi nhận về những hụt hẫng, xót xa, hoang hoải...

Từ những năm đầu thế kỉ XXI cho đến nay, ở Việt Nam xuất hiện nhiều những cây bút văn xuôi trẻ xông xáo, giàu nội lực. Nhiều tên tuổi và tác phẩm của họ ra đời và được công chúng đón nhận với những lời khen ngợi và đánh giá thích đáng. Đó là minh chứng cho sự nổ lực, học hỏi, kế thừa, tiếp thu, sáng tạo không ngừng nghỉ của những nhà văn trẻ. Vũ Văn Song Toàn cũng là một trong số những cây bút trẻ được đánh giá cao, bởi vốn hiểu biết và sự thể hiện cô đọng trên từng trang viết của mình.

Với phương thức thể hiện độc đáo, Đoản khúc chiều phù dung của Vũ Văn Song Toàn đã cuốn hút người đọc từ những trang đầu tiên cho đến dòng cuối cùng. Từ sự lựa chọn không gian, thời gian, đến việc lựa chọn những môtíp, những biểu tượng, kết hợp với giọng văn nhẹ nhàng, gần gũi, ngôn ngữ trong sáng, giàu tính triết lí, mang đậm dấu ấn cá nhân. Vũ Văn Song Toàn bước đầu đã định hình được phong cách riêng. Đây có thể coi là sự thành công của một người viết trẻ như anh./.

Ths. Nguyễn Văn Hoà

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/thanh-thi-va-nong-thon-nhung-gam-mau-chan-thuc-a1060.html